Fed tăng lãi suất USD: Vàng vẫn sáng, chứng khoán tăng
Trái với quy luật là lãi suất USD tăng- giá vàng giảm, giá vàng trên thị trường quốc tế lại bật tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD. Chứng khoán cũng đi lên…
Vàng, chứng khoán đi lên
Không như nhiều người lo ngại, giá vàng đã bật tăng khoảng 35 USD/ounce, lên 1.941 USD/ounce sau 2 ngày lãi suất cơ bản đồng bạch xanh của Mỹ tăng thêm 0,25%, lên 0,5%.
Fed cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm. Theo quan chức cấp cao của Fed, dự kiến có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023 và 2024.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho biết, giá vàng đã điều chỉnh giảm trong thời gian ngắn vừa qua trước khi Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, nhưng sau khi Fed tăng lãi suất, giá mặt hàng kim loại quý này đã nhanh chóng tăng trở lại.
“Sở dĩ sau khi Fed tăng lãi suất, giá vàng tăng là do lộ trình tăng lãi suất đã được vạch rõ và thị trường cũng đã phản ánh vào giá vàng”, ông Khánh nói.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và trước đó, Fed cũng thừa nhận với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng, ngân hàng đã đánh giá sai về lạm phát. Lạm phát hàng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo “ưa thích” của Fed, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - gấp 3 lần mục tiêu trung bình hàng năm của Fed là 2%.
Vì thế, theo ông Khánh, trước mắt, vàng dao động quanh ngưỡng 1.950 USD/ounce và khả năng khó rớt xuống dưới mức 1.850-1.900 USD/ounce. Triển vọng giá sẽ sớm tái lập ngưỡng 2.000 USD/ounce. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, giá vàng có thể đạt ngưỡng 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay, bởi cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi lạm phát cao.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng điểm, dù Fed nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018. Chỉ số Dow Jones tăng 417,66 điểm, lên 34.480,76 điểm kết thúc phiên ngày 17/3. Tương tự, chỉ số S&P 500 tăng 1,23%, lên 4.411,67 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,37%, lên 13.614,78 điểm. Chứng khoán Việt Nam cũng tăng trở lại. Chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc 1.470 điểm và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.
Tỷ giá ổn định
Các chuyên gia đánh giá, việc Fed tăng lãi suất sẽ có tác động đến tỷ giá tại Việt Nam, nhưng không nhiều, vì điều này đã được dự báo từ trước. Thực tế, sức khỏe đồng bạch xanh của Mỹ lại quay đầu giảm sau khi Fed tăng lãi suất. Trên thị trường thế giới, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống mức 98,35 điểm trong ngày 18/3.
Tại Việt Nam, ngày 18/3, các ngân hàng thương mại vẫn giữ tỷ giá ngoại tệ, như Vietcombank mua vào với giá 22.710 - 22.740 VND/USD và bán ra 23.020 VND/USD.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam) cho biết, UOB dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.100 VND/USD trong quý I/2022; 23.200 VND/USD trong quý II/2022; 23.300 VND/USD trong quý III/2022 và 23.400 VND/USD trong quý IV/2022.
Về lãi suất VND, theo ông Quang, kế hoạch tăng lãi suất của Fed đã rõ, nên thị trường cũng tính toán vào các mức lãi suất hiện nay. Giới phân tích tài chính nhận định, việc Fed tăng lãi suất USD không tác động nhiều đến lãi suất trong nước và cầu nội địa. Tỷ giá được kiểm soát linh hoạt, ổn định trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định.
Cụ thể, việc này sẽ khiến chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên, đồng thời tác động một phần đến tỷ giá, vì USD sẽ tăng giá và tỷ giá cũng sẽ tăng nhẹ. Tỷ giá năm nay dự kiến tăng 0,5 - 1% so với năm ngoái, do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt. Cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày càng sát hơn với thị trường cũng là yếu tố quan trọng giúp tỷ giá ổn định.
Việc ổn định tỷ giá hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi tỷ giá đã được giữ ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua, trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh. Điều này tạo thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022. Mặc dù vậy, giới chuyên gia lưu ý, phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm 2022.
Trong khi đó, lãi suất tiền đồng vẫn ổn định sau khi Fed điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, Nhóm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất đã chạm “đáy” và có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2022 khi nhu cầu vốn tăng cao.
NHNN cho biết, tính đến ngày 25/2, tín dụng tăng 2,52%; vốn huy động tăng 1,29% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11,1% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, Nhóm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, huy động vốn của ngành có thể tăng trong thời gian tới nhờ khả năng tăng lãi suất huy động.
Vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát cao. Nhà đầu tư trên thế giới vẫn tìm đến hầm trú ẩn vàng để bảo toàn vốn. Vì thế, việc Fed tăng lãi suất USD cũng không tác động lên giá vàng như trước đây. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, nếu mua vàng tích trữ sẽ rất tốt, còn đầu tư “lướt sóng” thì phải thận trọng, vì chênh lệch vàng trong nước và thế giới lên đến hàng chục triệu đồng, trong khi biên độ mua - bán giãn rộng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/fed-tang-lai-suat-usd-vang-van-sang-chung-khoan-tang-d162475.html