Fed tăng mạnh lãi suất làm tăng rủi ro nền kinh tế toàn cầu
Sau khi tạm dừng vào tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa chi phí đi vay chuẩn lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ và tiến gần hơn đến sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt hiện tại.
Lãi suất cao hơn do việc tiếp tục tăng lãi suất đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, gây căng thẳng cho hệ thống tài chính và làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ vốn đã nặng nề của chính phủ Mỹ, tất cả những điều này có thể có tác động toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc Fed và các ngân hàng trung ương khác ở các nền kinh tế tiên tiến tăng lãi suất mạnh đã làm tăng thêm chi phí trả nợ của các thị trường mới nổi và đẩy lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi lên cao. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn tài chính toàn cầu và tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế thế giới.
Kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt này vào tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 11 lần tiên tiếp, với mức tăng tích lũy là 525 điểm cơ bản, tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980.
Desmond Lachman, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là cựu quan chức tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Tôi dự đoán rằng chúng ta sẽ chứng kiến một số lượng đáng kể các ngân hàng khu vực phá sản do hệ quả từ lãi suất cao của Fed và cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại thực sự”.
Trong một ý kiến có liên quan, theo báo cáo của The Wall Street Journal từ hồi đầu năm nay, tác động gợn sóng của các căng thẳng trong hệ thống tài chính của Mỹ có thể dẫn đến tín dụng thắt chặt hơn, suy thoái nghiêm trọng hơn trên toàn thế giới. Sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ không chỉ là vấn đề đối với Mỹ mà còn làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thậm chí, tác động lan tỏa của việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed còn vượt ra xa hơn.
Do vai trò chủ đạo của đồng dollar Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, việc tăng lãi suất đã nâng lãi suất trái phiếu Mỹ và tăng cường sức mạnh cho đồng dollar Mỹ, thúc đẩy dòng vốn quy mô lớn từ các thị trường mới nổi sang Mỹ và gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính của nhiều quốc gia.
Các quốc gia này sau đó buộc phải tăng lãi suất nhanh hơn và cao hơn, qua đó gây rủi ro cho sự phát triển kinh tế của chính các nước.
Khi giá trị của các loại tiền tệ khác sụt giảm, các quốc gia này sẽ nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu đắt đỏ hơn. Điều này cho phép Mỹ “xuất khẩu” lạm phát cơ bản, từ đó gây thêm áp lực lên các ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, lãi suất cao hơn sẽ đẩy chi phí trả nợ của các thị trường mới nổi tăng lên, làm tăng rủi ro nợ cho các nền kinh tế thị trường mới nổi mắc nợ cao.
“Chi phí đi vay đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn ở mức cao, hạn chế khả năng chi tiêu ưu tiên và làm tăng nguy cơ vỡ nợ”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất.
Tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết, việc tăng lãi suất theo chính sách của ngân hàng trung ương để chống lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát dai dẳng, định giá lại thị trường tài chính và tình trạng nợ nần ngày càng tăng.
Đối với các doanh nghiệp, nhiều người trong số họ sẽ cần tái cấp vốn trong môi trường lãi suất cao và lãi suất cao kéo dài có thể gây ra làn sóng vỡ nợ của các công ty toàn cầu.
Được biết, lãi suất tăng đã làm giảm nhu cầu nhưng lại đẩy chi phí đi vay lên cao và khiến tình trạng nợ nần hoặc vỡ nợ trở thành mối lo ngại thực sự đến các doanh nghiệp và công ty đang trong đà khó khăn, với gần ¼ cho biết rằng nợ “rất có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức của họ” trong năm nay.
Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody đã ước tính rằng, tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu đối với các khoản nợ rủi ro sẽ đạt đỉnh 5,1% vào đầu năm tới, đồng thời bổ sung thêm rằng một kịch bản bi quan nghiêm trọng, tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản nợ rủi ro có thể lên đến 13,7% trong một năm, thậm chí cao hơn mức đỉnh 13,4% xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.