Fed: Tiền mã hóa không thể thay thế tiền truyền thống
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã khuyến cáo các ngân hàng nên cẩn trọng hơn nếu muốn thử nghiệm dùng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp.
Theo Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra ý kiến rằng tiền mã hóa không có khả năng thay thế đồng tiền truyền thống. Chính vì vậy, các ngân hàng nếu muốn thử nghiệm loại tài sản này và chấp nhận chúng làm tài sản thế chấp cần thận trọng, cân nhắc cẩn thận hơn.
Phó chủ tịch Giám sát của Fed - ông Michael Barr - giải thích: "Tài sản tiền mã hóa rất dễ bị đánh cắp hay tấn công, đồng thời cũng biến động rất mạnh theo thị trường nên chúng không có khả năng phát triển thành các sản phẩm để thay thế cho thanh toán truyền thống".
Do đó, ông khuyến cáo rằng các ngân hàng nếu muốn thử nghiệm công nghệ mới này thì chỉ nên làm trên quy mô nhỏ và cần kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Barr, các ngân hàng chấp nhận tiền gửi từ công ty tiền mã hóa nên tự nhận thức được rằng rủi ro về thanh khoản sẽ gia tăng trong hệ thống của mình, nhất là khi công ty đối tác có nhiều mối liên hệ với những công ty tiền mã hóa khác. Dù có thể dùng stablecoin để tránh các đợt biến động mạnh của thị trường, sẽ không ai biết trước cho đến khi "những rủi ro mới" nổ ra.
"Mặc dù ngân hàng có thể tránh được tổn thất trực tiếp từ những sự kiện tấn công tiền điện tử, vẫn phải chịu ảnh hưởng gián tiếp từ những công ty tiền mã hóa đối tác", ông nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm rằng Fed đang hợp tác với Cơ quan Kiểm soát tiền tệ (OCC) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), để nghiên cứu về những rủi ro có thể xảy ra với ngành tài chính nếu các ngân hàng đồng ý cho thế chấp bằng tiền mã hóa. Theo ông, những cơ quan này sẽ sớm đưa ra những quy định để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng cần ban hành quy định để xử lý vấn đề những công ty tiền mã hóa cung cấp thông tin sai lệch về bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng, vì điều này có thể dẫn đến việc rút tiền hàng loạt trong thời điểm thị trường bất ổn.
Được biết, đây là lần đầu tiên ông Barr chia sẻ ý kiến của mình về fintech và tiền điện tử sau khi đảm nhiệm chức vụ giám sát hàng đầu tại Fed. Theo đó, ông còn nhắc nhở thêm rằng các ngân hàng cần đặt lợi ích và an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu, trước khi muốn đổi mới công nghệ.
Ông Barr cũng nhấn mạnh rằng Fed "không ngăn cản các ngân hàng thử nghiệm loại tài sản mới này", nhưng cần phải đảm bảo kiểm soát và xử lý được rủi ro.
Trước đó, ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ - Bank of New York Mellon (BNY Mellon) - vào ngày 12/10 đã nhận được sự chấp thuận để thêm quyền lưu ký tài sản kỹ thuật số vào các dịch vụ của mình.
Theo báo cáo, ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ này cho các nhà quản lý quỹ truyền thống đã sử dụng dịch vụ của mình, để họ áp dụng cho văn phòng của họ. Các quỹ này sẽ không còn cần phải tìm một người giám sát riêng cho mảng tài sản kỹ thuật số nữa.
BNY Mellon cũng tiết lộ thêm rằng nền tảng này sẽ bắt đầu hoạt động thử nghiệm với các công ty quỹ đầu tư được chọn trong tuần tới, còn dịch vụ dành cho khách hàng lẻ sẽ được mở rộng sau đó.