Festival có thúc đẩy phát triển du lịch?
Thực tế, có quá ít festival ở Việt Nam mang lại hiệu quả lâu dài cho du lịch địa phương bởi tư duy thời vụ, tư duy nhiệm kỳ và cả kinh nghiệm, trình độ tổ chức Festival đúng nghĩa còn là một khoảng trống lớn...
Có thể nói, Việt Nam đã và đang sống trong "phong trào festival" suốt những năm qua khi hầu hết các địa phương có thế mạnh khai thác du lịch đều tổ chức một lễ hội (festival) với mục đích để thúc đẩy du lịch và xúc tiến thương mại. Điển hình là Festival Hoa Đà Lạt 2 năm một lần, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Lễ hội pháo hoa quốc tế Sông Hàn… Và câu hỏi đặt ra là "Thực sự các festival kia có góp phần thúc đẩy du lịch hay không?".
Câu trả lời chắc chắn là "Có". Lượng khách du lịch đổ về các địa phương tổ chức festival luôn tăng đột biến và hiện tượng cháy vé máy bay, cháy phòng khách sạn là thường xuyên. Thậm chí, có nhiều du khách đã phải lựa chọn phương án thuê nhà dân để ở trong những ngày cao điểm của các lễ hội. Nhưng rất tiếc, cái câu trả lời "Có" ấy chỉ là "Có" ngắn hạn. Sau mỗi tuần lễ hội là gì? Là đâu lại trở về đấy.
Festival biển Nha Trang mới kết thúc cách đây chưa lâu và sắp tới, một festival tiếng tăm khác cũng chuẩn bị được tổ chức: Festival hoa Đà Lạt. Như thường lệ, cứ hai năm một lần, vào dịp gần Giáng sinh, Đà Lạt lại bừng lên những sắc hoa của mùa lễ hội và đó chính là một đặc sản đón du khách.
Nhưng cũng đã thành quen, sau mỗi Festival trôi qua, điều đọng lại với du khách không nhiều và tác động tích cực của Festival ấy với du lịch địa phương trong chuỗi ngày 2 năm không Festival là không lớn. Chính vì thế, một trong những lãnh đạo của UBND Thành phố Đà Lạt đã phải thừa nhận thẳng thắn rằng "Chúng tôi cần những sản phẩm văn hóa thúc đẩy du lịch dài hạn, bởi tình hình hiện nay, thứ thu hút du khách tới Đà Lạt cơ bản nhất vẫn chỉ là khí hậu".
Nhắc tới câu chuyện ấy, chúng ta cần phải nhìn thực sự sâu xa vào hiện trạng các Festival hiện nay thực tế đã hiệu quả hay chưa, hay chỉ tưng bừng trong một tuần khai hội rồi thôi? Câu trả lời thẳng thắn là "Chưa". Và lý do thì rất đơn giản.
Thứ nhất, thói quen "hình thức" đã ăn quá sâu khiến cho quan chức những địa phương tổ chức Festival chỉ nghĩ đến cái hoành tráng tạm thời mà quên đi mất mục đích lâu dài. Thứ hai, các đơn vị nhận thầu tổ chức Festival thường chỉ chiều lòng quan chức để được việc của mình chứ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện Festival ấy thực sự phục vụ ai, bằng cách nào và hiệu ứng lâu dài ra sao?
Đơn cử, trong cuộc đấu thầu lễ khai mạc và bế mạc Festival hoa Đà Lạt 2019 n, có đơn vị đã bê nguyên si khung sườn kịch bản của một festival khác mà họ mới tổ chức (tất nhiên là có chỉnh sửa các chi tiết cho khác biệt) để bỏ thầu. Trong khi đó, một đơn vị khác lại thẳng thắn hơn khi trình bày với quan chức tỉnh rằng: "Chúng ta cần thay đổi tư duy để Festival thực sự phục vụ cộng đồng, du khách và dân địa phương chứ không phải phục vụ quan chức".
Tất nhiên, xu hướng chung hiện nay vẫn là các đơn vị nhận thầu thực hiện festival phải chịu trách nhiệm việc kêu gọi đầu tư, tài trợ từ nguồn xã hội (với sự hỗ trợ về chính sách của địa phương), nhưng mỗi địa phương vẫn phải xuất chi ngân sách để cùng tổ chức. Phần chi ấy không nhỏ.
Trung bình, mỗi tỉnh tổ chức Festival đều chi ngân sách khoảng chục tỷ đồng cho lễ khai mạc, bế mạc và phần còn lại thì đơn vị thực hiện sẽ huy động nguồn ngoài. Và số ngân sách ấy thực sự có thể được sử dụng theo cách khác để phục vụ du lịch hữu hiệu hơn.
Tỷ dụ như việc xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật thường xuyên để làm giá trị tăng thêm cho du lịch địa phương. Nhưng điều đáng tiếc là nhiều địa phương đã quen với suy nghĩ lễ khai mạc, bế mạc là quan trọng nhất, là bộ mặt của chính cái Festival trong tay mình.
Thực tế, có quá ít festival ở Việt Nam mang lại hiệu quả lâu dài cho du lịch địa phương bởi tư duy thời vụ, tư duy nhiệm kỳ và cả kinh nghiệm, trình độ tổ chức Festival đúng nghĩa còn là một khoảng trống lớn. Nhưng cũng bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy có những sự thay đổi tích cực, mà điển hình nhất là Festival hoa Đà Lạt 2019.
Tỉnh Lâm Đồng đang muốn đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức festival đã thành thương hiệu của mình và việc họ chú trọng vào việc Festival phải xây dựng được xu hướng du lịch, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thường xuyên sau đó để phục vụ du khách đã cho thấy tín hiệu khả quan.
Rất có thể trong năm 2019, Đà Lạt sẽ trở thành tiên phong của cả nước trong việc tạo dựng một Festival đúng nghĩa phục vụ du lịch với mục tiêu lâu dài.