Festival Huế và dấu ấn văn hóa Pháp

Dấu ấn văn hóa Pháp đã được khẳng định qua các kỳ Festival Huế và tiếp tục được thể hiện đậm nét trong Tuần lễ Festival Huế 2024.

Nghệ sĩ Dương cầm David Greilsammer. Ảnh: Festival Huế

Nghệ sĩ Dương cầm David Greilsammer. Ảnh: Festival Huế

Pháp - Việt cùng khởi sự

Năm 1992, thành phố Huế phối hợp với tổ chức CODEV (Pháp) tổ chức một liên hoan văn hóa (Festival). Thành công ngoài mong đợi của sự kiện văn hóa này giúp cho tỉnh Thừa Thiên Huế sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ý tưởng ấy được sự đồng tình của Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tháng 10/1998, Chính phủ có quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000.

Chuẩn bị cho Festival Huế lần đầu tiên, các nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt - Pháp đã phối hợp khẩn trương chuẩn bị theo hướng một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế, xây dựng Huế xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam.

Được tổ chức ngay sau cơn lũ lịch sử 1999, qua 2 ngày đêm, Festival Huế 2000 có sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch góp phần thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau cơn đại hồng thủy.

Đối tác chính của Festival Huế

Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002 tiếp tục được tổ chức với sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Pháp, sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival định kỳ 2 năm 1 lần.

Qua các kỳ tổ chức cho thấy, nước Pháp là đối tác chính của Festival Huế. Dấu ấn của quá trình hợp tác văn hóa Việt - Pháp thể hiện rõ trong các chương trình biểu diễn, nhưng vẫn bảo đảm nét truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ lâu, Pháp đã có một công nghệ tổ chức Festival hoàn hảo. Trở thành đối tác chính của Festival Huế, Pháp có nhiều đóng góp về nghệ thuật và hỗ trợ tài chính, trang thiết bị và kỹ thuật. Tất cả các chương trình của Pháp biểu diễn tại Festival Huế là kết quả của quá trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước, thể hiện được sự đa dạng về nghệ thuật...

Ông Philippe Bouler, đạo diễn, nhà sản xuất và được xem là nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật ánh sáng, là người có công lớn cho sự thử nghiệm và phát triển của Festival Huế. Từ năm 1999, ông đã đến Huế để cùng hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế đầu tiên (năm 2000). Ông đặc biệt nổi bật với vai trò là giám đốc nghệ thuật của các Festival Huế năm 2000 và 2002, tham gia dàn dựng nhiều chương trình của Festival Huế 2008. Nghệ sĩ Philippe Bouler là biểu tượng sinh động, góp phần thắt chặt tình cảm, mối quan hệ tốt đẹp giữa các vùng của Pháp với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một ấn tượng sâu sắc tại Festival Huế 2004 là chương trình dạ nhạc tiệc, khẳng định giá trị nghệ thuật ẩm thực của Cố đô Huế. Bất ngờ khi biết rằng, buổi dạ nhạc tiệc này được thực hiện dưới sự dàn dựng của nghệ sĩ sắp đặt pháo hoa Pháp là Pierre Alain Hubert, một trong những nghệ sĩ trình diễn sắp đặt pháo hoa nổi tiếng trên thế giới. Với tài nghệ của ông, khán giả được thưởng thức một màn trình diễn kết hợp được sự thần kỳ của pháo hoa và ánh sáng.

Chờ người Pháp ở Tuần lễ Festival Huế 2024

Hai trong số 12 gương mặt nghệ sĩ tham dự Tuần lễ Festival Huế 2024 đến từ Pháp. Đó là, nhóm nhảy Hiphop Pháp của Trung tâm Đào tạo Khiêu vũ Cergy quy tụ 4 vũ công Laura, Mariana, Théotim và Wanda. Tác phẩm trình bày mang tên "Dòng chảy" là cái nhìn xuyên suốt về nền văn hóa hip-hop với những dòng chảy giữa nội tại bên trong và ngoại lực bên ngoài.

Nghệ sĩ Dương cầm David Greilsammer với chuyến “Du hành cùng Satie” thông qua các kiệt tác của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Erik Satie. Các tác phẩm trong chương trình được xếp đặt tựa như một chiếc gương phản chiếu, mời gọi công chúng tham gia vào một hành trình thú vị, một cuộc hội ngộ tưởng tượng giữa nhà soạn nhạc vĩ đại Erik Satie và các tên tuổi nổi tiếng khác.

Đặc biệt, tiếp nối thành công của “Huế by light - The live show”, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên giới thiệu chương trình Lễ hội ánh sáng, một hành trình khám phá với 12 tác phẩm sắp đặt âm thanh và ánh sáng trong lòng Đại Nội. Khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng Thái Bình Lâu cùng khuôn viên xung quanh thông qua trải nghiệm không gian nghệ thuật số kỳ ảo và đầy tính tương tác. "Huế by light - The live show" trước đó đã được thực hiện tại Ngọ Môn, một di sản thế giới được UNESCO xếp hạng với kiến trúc mang nhiều ý nghĩa đặc trưng, khép lại trong sắc màu lung linh nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp.

ĐAN THỤC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/festival/festival-hue-va-dau-an-van-hoa-phap-141638.html