Festival Nghề truyền thống Huế 2023: Cơ hội thúc đẩy, phát triển nghề truyền thống
Festival Nghề truyền thống (NTT) Huế 2023 với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề - đại diện cho tinh hoa nghề Việt với trên 350 nghệ nhân, 'bàn tay vàng' đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Nghệ An… sẽ hội tụ bên dòng sông Hương từ ngày 28/4 – 5/5 tới đây.
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, tiếp nối sự thành công của 8 kỳ Festival NTT Huế, lễ hội Festival NTT Huế 2023 năm nay mang tầm quốc gia và tính quốc tế với chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa các thành phố trên thế giới kết nghĩa, hợp tác với Huế... Qua đó, nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế: “Cố đô xanh - di sản thế giới - thành phố an toàn và thân thiện”, tôn vinh và lan tỏa giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Festival NTT Huế 2023 gồm có 21 nhóm nghề, gồm dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh tét bánh chưng; mè xửng… Ngoài ra, sẽ có các hình thức khám, chữa bệnh và phô diễn tài năng cho các thầy thuốc Đông y của ngành y học cổ truyền. Festival NTT Huế chính là cơ hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo các sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, đây là dịp tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với du lịch với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Theo Ban tổ chức Festival NTT Huế 2023, năm nay, lễ hội còn có các sự kiện lần đầu tiên diễn ra như: lễ hội ẩm thực, lễ hội quảng diễn đường phố, lễ hội tri ân dòng Hương, xác lập một kỷ lục mới liên quan đến nghề truyền thống được thực hiện tại Festival NTT Huế 2023.
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, so với những kỳ Festival NTT Huế đầu tiên được tổ chức, đến nay, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh có thay đổi rất lớn trong việc thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều làng nghề từ chỗ chỉ sản xuất hàng tiêu dùng, trang trí nội - ngoại thất giờ đã phát triển thành các tour du lịch làng nghề ấn tượng, thu hút khách như: làng hương Thủy Xuân, hoa giấy Thanh Tiên, làng nón Phú Cam, bánh tét Phú Dương, bánh bèo nậm lọc Đức Bưu…
Tuy nhiên, bên cạnh việc khôi phục, phát triển nghề va âlàng nghề truyền thống cũng như quảng bá các thương hiệu, sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chưa duy trì thường xuyên các hoạt động trưng bày, giới thiệu và thao diễn nghề phục vụ du khách; nguồn lực đầu tư để khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống chưa được chú trọng, một số nghề sản xuất theo quy mô hộ gia đình, năng suất thấp. Việc thay đổi mẫu mã còn hạn chế. Một số sản phẩm làm thủ công nên giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường…
Ông Trương Đình Hạnh cho biết, sau Festival NTT Huế năm nay, không gian ở 15 Lê Lợi, TP Huế sẽ là không gian trưng bày sản phẩm sáng tạo, sản phẩm làng nghề, trong đó sẽ lựa chọn một số sản phẩm làng nghề trên địa bàn để trưng bày, kết nối giao lưu thương mại với các tỉnh, thành phố, như: áo dài, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, hoa giấy…
“Mục tiêu của thành phố sau Festival NTT là duy trì tổ chức các chương trình, hoạt động để quảng diễn NTT; huy động vốn khuyến công hỗ trợ máy móc thiết bị cho cơ sở làng nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở vay vốn. Đồng thời, duy trì các hoạt động trải nghiệm văn hóa Huế thông qua việc tổ chức đưa học sinh các trường đến tham quan và trải nghiệm ở các làng nghề”, ông Hạnh chia sẻ thêm.