Festival Thu Hà Nội 2024 thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan
Sau 3 ngày diễn ra (từ 19/9 đến 22/9), Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 đã khép lại, sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với người dân Thủ đô cũng như du khách tham quan.
Sự kiện năm nay được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng 17 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, nhiều hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp du lịch và lữ hành cũng góp mặt, tạo nên không khí phấn khởi và đầy màu sắc.
Năm nay, do tình hình bão lũ diễn biến phức tạp, Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 đã được điều chỉnh quy mô nhỏ gọn hơn để đảm bảo an toàn. Một số hoạt động đã được thay đổi, như hủy bỏ diễu hành biểu diễn nghệ thuật đường phố và điều chỉnh một số nội dung biểu diễn nghệ thuật. Mặc dù vậy, Ban tổ chức vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa và du lịch Thủ đô với tinh thần an toàn và chất lượng.
Tại lễ bế mạc vào chiều 22/9, ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, lễ hội đã diễn ra thành công vượt mong đợi, mặc dù thời tiết có lúc không thuận lợi nhưng sự kiện Festival Thu Hà Nội 2024 vẫn thu hút trên 50.000 lượt du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm bởi đây là thời điểm đẹp nhất trong năm của Hà Nội.
“Festival Thu Hà Nội năm nay đã mang đến nhiều mô hình, không gian văn hóa và trình diễn kỹ năng của các nghệ nhân làng nghề, góp phần quảng bá những giá trị truyền thống của Hà Nội và đất nước”, ông Quang nói.
Tại lễ hội, 15 khu trưng bày được tổ chức, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 11 nghệ nhân và thợ giỏi đến từ các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, đúc đồng Ngũ Xã, mỹ nghệ Sơn Đồng, mây tre Phú Vinh, và nhiều làng nghề khác. Những tác phẩm độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao, được trưng bày và giới thiệu tại đây, trong đó nổi bật là những sản phẩm được sáng tạo riêng cho dịp chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Lễ hội còn thu hút đông đảo giới trẻ tham gia nhờ những hoạt động sáng tạo và hấp dẫn, từ các chương trình nghệ thuật đương đại kết hợp truyền thống, cho đến các trò chơi dân gian và các buổi giao lưu với nghệ nhân. Đây là dịp để giới thiệu với thế giới về hình ảnh một Hà Nội hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.
Một số tác phẩm nổi bật phải kể đến như "Kim Vinh Hiển" và "Hào khí Thăng Long" của nghệ nhân Vũ Mạnh Hải từ làng nghề kim hoàn Châu Khê, phù điêu "Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập" của nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn làng đúc đồng Ngũ Xã, hay "Sen thu trên gỗ lũa" của nghệ nhân Đỗ Văn Cường. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện tài năng và sự sáng tạo của nghệ nhân mà còn mang đậm tính lịch sử và văn hóa, là lời tri ân đầy ý nghĩa cho những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tham gia vào không gian thưởng lãm trà - một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội, cũng như trải nghiệm cùng các nghệ nhân trong việc làm mây tre, nặn gốm, thêu và làm quạt châm kim. Những hoạt động tương tác này đã thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là giới trẻ và những ai đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống.
Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 không chỉ là dịp để người dân và du khách thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, mà còn là cơ hội để tôn vinh và gìn giữ những nghề thủ công truyền thống, đồng thời lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa và trải nghiệm làng nghề, Festival Thu Hà Nội năm nay đã kêu gọi ủng hộ những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, Ban tổ chức đã quyên góp được 288 triệu đồng, số tiền này sẽ được chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội để hỗ trợ những người dân đang chịu ảnh hưởng từ thiên tai.
Ban tổ chức hy vọng Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 sẽ trở thành điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa của Thủ đô, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế.