FIFA Club World Cup chưa 'lột xác' với phiên bản mới

FIFA Club World Cup lần đầu tiên được tổ chức với phiên bản mở rộng đang dần đi đến ngày hạ màn, được kỳ vọng mang tới sự thay đổi cho bóng đá thế giới.

Bốn năm sau cái "chết yểu" của kế hoạch Super League với 12 đại gia châu Âu năm 2021, FIFA thậm chí tạo ra một giải đấu với số CLB lớn còn nhiều hơn con số đó, và không chỉ ở châu Âu mà trên khắp các lục địa. Thật khó có thể đòi hỏi sự quan tâm ngay lập tức của các cổ động viên, bởi tính chất màu cờ sắc áo của một kỳ World Cup cấp độ CLB không thể so sánh với các giải đấu cấp độ đội tuyển quốc gia.

Năm 1960 là thời điểm cúp Liên lục địa ra đời với tính chất của một trận đấu giữa CLB vô địch châu Âu và Nam Mỹ. Trận cầu này danh giá nhưng đào sâu khoảng cách với các nền bóng đá châu lục khác, hơn nữa lại mang tính cục bộ khi được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu và Nam Mỹ. FIFA có lý do để kiến tạo một giải đấu mang tính thống nhất hơn, nhưng phải mất đến 40 năm sau, FIFA Club World Cup phiên bản đầu tiên với đủ đại diện các châu lục mới ra đời. Chỉ có điều, nó đã "chết yểu" ngay sau lần đầu tổ chức, trùng với thời điểm UEFA Champions League nhảy vọt về doanh thu và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

FIFA làm lại từ năm 2005 nhưng vẫn thất bại trong việc tạo ra một giải đấu như họ mong muốn. Với Gianni Infantino 20 năm sau, chúng ta đang được theo dõi phiên bản của hiện tại. Mô hình của World Cup cấp đội tuyển được áp dụng với lịch trình bốn năm một giải đấu. Công tác tổ chức từ địa điểm, tài trợ cho đến điều lệ bắt buộc dùng đội hình mạnh nhất đã hứa hẹn tạo ra cú nhảy vọt.

Tuy nhiên, sau vòng tứ kết, tổng số khán giả được công bố là 2,2 triệu người trong số 2,95 triệu người dự kiến, trung bình là 40.746 người/trận. Trong đó có những trận đấu thảm họa chỉ có 600 khán giả như trận giữa Ulsan Huyndai với Mamelodi Sundowns. Các trận vòng loại trực tiếp cũng chỉ khá hơn đôi chút và vô tình một cái tên ở xứ cờ hoa lại thành hiệu ứng lớn nhất, đó là Inter Miami và Lionel Messi. Nhiều người cho rằng, lý do họ có mặt tại giải là để cứu cánh cho lượng vé của ban tổ chức.

Câu hỏi trị giá hàng tỉ đô-la được đặt ra là “Vì sao FIFA quyết tâm thúc đẩy Club World Cup?”. Đây là giải có tổng tiền thưởng lớn nhất trong hệ thống các giải của FIFA, với quỹ thưởng là 1 tỷ USD. Chưa rõ FIFA đầu tư bao nhiêu tiền, chỉ biết dự kiến họ sẽ thu về 6 tỉ USD. Nhưng thực tế chi phí trả thưởng đã cao hơn rất nhiều trong tình hình vé bán ra kém xa con số 3,4 triệu ở World Cup Qatar 2022, bất chấp FIFA còn đính kèm ưu đãi cho World Cup 2026 cho mỗi tấm vé.

Thời điểm này, FIFA Club World Cup 2025 liệu có phải là một cú nhảy vọt đáng giá không? Cùng với mục tiêu mở ra cơ hội cho các nền bóng đá trên toàn cầu, giải đấu vô tình tạo khoảng cách về tiềm lực lẫn đẳng cấp. Giải đấu này có thể sẽ minh chứng cho việc "hãy trả bóng đá lại cho bóng đá", thay vì phục vụ những bộ suit quyền lực ở trụ sở FIFA tại Zurich, Thụy Sĩ.

Lê Khánh Lâm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/fifa-club-world-cup-chua-lot-xac-voi-phien-ban-moi-345547.htm