FiinRatings: Nhóm bất động sản chịu áp lực hơn 16.500 tỷ trái phiếu đáo hạn
FiinRatings ước tính 40.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn trong quý 2 năm nay, trong đó hơn 40,7% thuộc về nhóm bất động sản với 16.500 tỷ đồng đáo hạn.
FiinRatings vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025, đánh giá, áp lực đáo hạn TPDN tập trung vào quý 3/2025 và chủ yếu vẫn là trái phiếu bất động sản. Cụ thể, trong năm 2025, giá trị trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 và quý 4. Trong đó, chỉ riêng tháng 8 và tháng 12 đã đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Đối với quý 2, FiinRatings ước tính 40.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn. Cụ thể, 16.500 tỷ đồng đáo hạn thuộc về nhóm bất động sản chiếm tới 40,7% tổng giá trị, 11.900 tỷ đồng thuộc về lĩnh vực khác (chiếm 29,2% tổng giá trị) và 8.200 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng giá trị) thuộc về nhóm tổ chức tín dụng.
Một số tổ chức phát hành có giá trị đáo hạn lớn có thể kể đến Vietinbank (4.950 tỷ đồng), Wincommerce (3.000 tỷ đồng), TNR holdings (2.923 tỷ đồng) và Cho thuê tài sản TNL (2.862 tỷ đồng).
Về lượng phát hành mới, thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2025 chỉ ghi nhận tổng giá trị phát hành vỏn vẹn 5.500 tỷ đồng với 4 đợt phát hành, giảm tới 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tháng 2 không có bất kỳ đợt phát hành mới nào ở cả thị trường riêng lẻ và công chúng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Điểm đáng chú ý là hầu hết các lô TPDN mới được phát hành trong giai đoạn này đều đến từ các tổ chức tín dụng, chiếm tới 94,6% tổng giá trị phát hành. Mục đích chính của việc phát hành này là nhằm bổ sung vốn cấp 2, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp.
FiinRatings dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025 khi các ngân hàng phải đối mặt với áp lực cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi.
Ngược lại, thị trường sơ cấp lại thiếu vắng sự tham gia của nhóm doanh nghiệp phi tài chính. Trong thời gian tới, dự thảo sửa đổi Nghị định 155 với các quy định khắt khe hơn về hệ số nợ đối với doanh nghiệp phát hành có thể sẽ tác động đến hoạt động phát hành ra công chúng của nhóm này.
Về hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 17.200 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị mua lại trong tháng 2 lại giảm mạnh tới 71,2% so với tháng 1, xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chính đến từ sự suy giảm nhu cầu mua lại của nhóm tổ chức phát hành bất động sản, thể hiện qua giá trị mua lại của ngành này trong tháng 2 giảm tới 95% so với tháng trước. Điều này cho thấy những khó khăn về dòng tiền và áp lực đáo hạn vẫn đang đè nặng lên các doanh nghiệp địa ốc.

Ảnh minh họa
Tuy nhiên, so với đầu năm, thị trường ghi nhận thêm 77 lô TPDN có vấn đề trị giá 5,.540 tỷ, tăng 2,32% so với quý 4/2024 và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tăng thêm của số TPDN có vấn đề đã chạm mức thấp nhất kể từ khi giai đoạn đỉnh điểm của TPDN có vấn đề vào tháng 2/2023.
Trong đó, 63,4% giá trị đến từ nhóm bất động sản, các doanh nghiệp này đã có loạt lô TPDN giãn hoãn thời gian thanh toán trước đó và vẫn còn nghĩa vụ nợ đáo hạn lớn trong 12 tháng tới, báo hiệu tình trạng chậm trả/giãn hoãn tiếp tục trong năm 2025 đối với nhóm trên.
Mặc dù vậy, nhờ lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh không tăng trong cả năm 2024 và đầu năm 2025 giúp tránh gia tăng áp lực chi phí lãi vay cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Về triển vọng TPDN năm 2025, báo cáo cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi mặt bằng tỷ lệ TPDN có vấn đề giảm, cho thấy thị trường TPDN đã trải qua giai đoạn sàng lọc và đang bắt đầu quá trình phục hồi.
FiinRatings dự báo, quy mô thị trường TPDN năm 2025 sẽ tăng trưởng 15-20%, trong đó trái phiếu ngân hàng (bank-bonds) vẫn sẽ chiếm vai trò chủ đạo. Nguyên nhân là do các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành để tăng vốn cấp 2, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lãi suất huy động được kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến sẽ sớm được áp dụng trong nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng hàng hóa trái phiếu và thu hút nhà đầu tư. Nhu cầu tái cấp vốn và tái cấu trúc vốn tăng cao từ các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng, xây dựng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động phát hành. Các ngân hàng vẫn được dự báo là người mua chính đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, áp lực tái cấp vốn ở các ngành chủ đạo, đặc biệt là bất động sản nhà ở, vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, lãi suất vay vốn bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực.