Financial Times: Quân đội Nga lộ 'điểm yếu chí tử', vũ khí Mỹ-NATO gây thiệt hại nặng ở Ukraine

Khi thiếu sự che chắn của bộ binh Nga ở hai bên sườn, các phương tiện tiến công tỏ ra dễ bị phục kích trước các đội chiến đấu nhỏ của Ukraine, đánh nhanh rút nhanh.

Thông tin tình báo phương Tây, các nhiếp ảnh gia chiến trường và hàng nghìn cảnh quay video đăng tải lên mạng xã hội, tuy chưa được kiểm chứng toàn bộ, nhưng đã mô tả phần nào mức độ tổn thất của Quân đội Nga ở Ukraine: Nhiều xe tăng cùng các phương tiện quân sự khác bị phá hủy, cháy rụi hoặc phải bỏ rơi, kẹt cứng trên đường hành tiến.

Thành công của Ukraine trong việc đẩy lùi kế hoạch ban đầu của Nga về một chiến dịch chớp nhoáng, đánh chiếm Thủ đô Kiev cũng như các thành phố lớn khác là nhờ khả năng ngắm bắn và tiêu diệt các phương tiện đối phương, gây ra cả tổn thất nặng nề và cản đường tiến công của các đoàn xe.

Thường chỉ được trang bị các bệ phóng tên lửa xách tay hoặc vác vai - mà hàng nghìn trong số đó được các nước phương Tây cung cấp, từng nhóm nhỏ binh sĩ Ukraine đã sử dụng địa hình và chiến thuật du kích chống trả ác liệt các cuộc tiến công của Quân đội Nga.

NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA QUÂN ĐỘI NGA

Theo Financial Times, “chiến dịch quân sự đặt biệt” ở Ukraine do Tổng thống Vladimir Putin phát động là một cú sốc lớn đối với nhiều binh sĩ Nga được triển khai ở biên giới để tham gia “tập trận”.

Theo một số quan chức tình báo phương Tây cũng như các nhà phân tích quốc phòng, điều đó có nghĩa là các phương tiện đột ngột được lệnh vượt sang biên giới Ukraine trong tình trạng bảo dưỡng kém và thường có lốp hoặc phụ tùng thay thế kém chất lượng.

Vì vậy, khả năng cơ động trên địa hình trở nên rủi ro hoặc không thể thực hiện được. Thực tế, nhiều bức ảnh chụp được một số lượng lớn thiết bị của Nga bị bỏ rơi trên những cánh đồng bùn lầy hoặc lốp xe bị thủng.

Trong khi đó, Nga lại đặt mục tiêu nhanh chóng và chiếm được các thành phố quan trọng như Kyiv, Kharkiv và Mariupol. Điều đó có nghĩa là phải nhanh chóng di chuyển xuống các tuyến đường chính và chiến đấu để giành quyền kiểm soát các nút giao thông lớn, thay vì các thị trấn hoặc khu vực nông thôn.

Quân đội Ukraine đã rút ra được hai kết luận. Đầu tiên, họ nhận ra rằng dù một đoàn xe bọc thép lớn đến đâu thì nó cũng chỉ rộng bằng con đường và chỉ có thể di chuyển nhanh như những xe phía trước. Thứ hai, quân phòng thủ Ukraine nhận thấy họ có thể hoạt động tương đối tự do trong các khu rừng, cánh đồng và làng mạc dọc hai bên đường.

Khi thiếu sự che chắn của bộ binh Nga ở hai bên sườn, các phương tiện tiến công tỏ ra dễ bị phục kích trước các đội chiến đấu nhỏ của Ukraine, đánh nhanh rút nhanh.

Khung cảnh cho thấy một hệ thống tên lửa phóng loạt của Quân đội Nga bị phá hủy với chữ "Z" được sơn bên hông ở Kharkiv, Ukraine, ngày 25 tháng 2. Ảnh: Reuters

Khung cảnh cho thấy một hệ thống tên lửa phóng loạt của Quân đội Nga bị phá hủy với chữ "Z" được sơn bên hông ở Kharkiv, Ukraine, ngày 25 tháng 2. Ảnh: Reuters

TÊN LỬA CHỐNG TĂNG JAVELIN

Chìa khóa của các cuộc phục kích này là việc sử dụng rộng rãi các tên lửa chống tăng vác vai, chẳng hạn như Javelin do Mỹ sản xuất.

Chúng được chuyển đến Ukraine trước khi chiến dịch của Nga bắt đầu, cho phép binh lính Ukraine có thời gian để các chuyên gia quân sự phương Tây dạy cách sử dụng tốt nhất.

Tên lửa này hiện đang có hàng nghìn quả đến từ các quốc gia trong liên minh NATO. Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết nguồn cung cấp đó là xương sống quan trọng để chống lại cuộc tấn công của Nga.

Javelin có kích thước nhỏ gọn giúp nó có thể dễ dàng được vận chuyển bởi bộ binh cơ động nhanh. Tính năng “bắn và quên” của tên lửa cho phép binh sĩ Ukraine nhanh chóng rời khỏi vị trí tấn công trước khi đạn bay trúng mục tiêu. Đầu đạn kép cũng cho phép Javelin gây sát thương nghiêm trọng cho các xe tăng Nga.

Tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ sản xuất.

Tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ sản xuất.

CHIẾN TRANH TRÊN KHÔNG

Các quan chức tình báo phương Tây cho rằng một trong những sai lầm quân sự tốn kém nhất của Nga bắt nguồn từ việc nước này đã thất bại trong việc tiêu diệt cả lực lượng không quân và hệ thống phòng không của Ukraine ngay từ đầu bằng loạt tên lửa hành trình dẫn đường chính xác trong những giờ đầu của chiến dịch.

Thất bại đó đồng nghĩa với việc Nga không giành được ưu thế trên không phía trên chiến trường như những gì mà nước này từng thực hiện ở Syria.

Ngoài ra, việc binh lính Ukraine sử dụng tên lửa đất đối không vác vai để tiêu diệt trực thăng và máy bay chiến đấu tầm thấp hỗ trợ lực lượng mặt đất của Nga đã khiến Moscow tỏ ra dè dặt trong việc triển khai sức mạnh không quân khi tiến công.

Theo ước tính của Oryx blog, trang mạng sử dụng ảnh mã nguồn mở để tổng hợp dữ liệu thì cho đến nay Nga đã mất ít nhất 28 máy bay và trực thăng so với chỉ 10 chiếc của lực lượng không quân Ukraine.

Theo Anh Tú/Doanh nghiệp & Tiếp thị

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/financial-times-quan-doi-nga-lo-diem-yeu-chi-tu-vu-khi-my-nato-gay-thiet-hai-nang-o-ukraine/20220320100422334