Freelancer lo lắng tiền bạc trước Tết

Nhiều người trẻ thừa nhận công việc freelance đem lại cho họ sự tự do, nhưng cùng đó là cả những nỗi lo về tiền bạc, nhất là thời điểm cuối năm.

Dịp cuối năm, Phụng Trâm (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đắn đo mua cái gì, tiêu ra sao vì không còn “rủng rỉnh” như trước. 5 tháng qua, cô phải tạm dừng công việc freelance marketing do các công ty không có nhu cầu hợp tác trong dịch.

“Công việc bị ảnh hưởng nhiều nên có thể nói, Tết năm nay của tôi không ‘ấm’ như trước”, cô cười, nói.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Nhiều người trẻ làm nghề tự do (freelance) càng phải đối mặt với tình cảnh bấp bênh thu nhập, nhất là khi không được đóng bảo hiểm xã hội hay hỗ trợ thất nghiệp.

 Các freelancer cũng chịu tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế do Covid-19. Ảnh: Đào Phương.

Các freelancer cũng chịu tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế do Covid-19. Ảnh: Đào Phương.

Đây cũng là tình cảnh chung trên thế giới. Theo báo cáo của công ty MBO Partners được thực hiện với hơn 3.600 lao động tự do trên 18 tuổi ở Mỹ, 80% cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, 61% gặp khó khăn về kinh tế, 44% bị mất thu nhập và 39% nói họ bị giảm giờ làm.

“Nói một cách đơn giản, hoạt động kinh tế suy thoái dẫn đến ít việc làm hơn đối với tất cả loại lao động. Ngay cả những người làm nghề tự do cũng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, dù ít nghiêm trọng hơn so với lao động truyền thống”, trích nhận định của báo cáo.

Chấp nhận biến số

Tháng trước, Trâm được quay lại làm việc, ký kết hợp đồng 5 tháng với một công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, cô chỉ nhận 50% thù lao, sau Tết mới được trả nốt phần còn lại.

“Đó là điều bình thường trong ngành của tôi. Thông thường, tôi tích góp dần trong năm và sử dụng khoản tiền đó để lo sắm sửa trước Tết. Các freelancer luôn phải chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu, nên hầu như ai cũng có một món tiền dự trù trước”, cô chia sẻ.

Dù vậy, Trâm vẫn lạc quan bởi đã có chuẩn bị một khoản tiết kiệm nhỏ, đủ chi trả sinh hoạt phí và mua quà biếu bố mẹ ở quê.

“Tôi có ít, tiêu ít nên sẽ chuẩn bị Tết đơn giản thôi. Chỉ cần được về nhà, quây quần với gia đình đã rất mừng rồi”.

Kim Huệ (25 tuổi, quận 12, TP.HCM) thấy có chút bận lòng khi nghe bạn bè bàn tán chuyện lương tháng thứ 13 và thưởng Tết.

 Kim Huệ hạn chế chi tiêu cá nhân để lo sắm Tết cho gia đình.

Kim Huệ hạn chế chi tiêu cá nhân để lo sắm Tết cho gia đình.

Hai năm nay, cô chuyển từ công việc văn phòng sang làm freelance, nhận yêu cầu thiết kế. Ngoài ra, cô mở thêm một lớp dạy sử dụng nền tảng Canva trong thời gian giãn cách xã hội.

Vì thế, Huệ hầu như không có đãi ngộ trong dịp lễ, thu nhập phụ thuộc vào lượng khách và số học viên hàng tháng.

“Thú thực, tôi có chút bận tâm vì cuối năm có nhiều khoản cần chi tiêu. Tôi làm freelance, dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập ‘lúc lên, lúc xuống’. Tôi may mắn vì có 2-3 nguồn thu khác nên không rơi vào cảnh ‘rỗng túi’ dịp cuối năm, song vẫn phải tính toán cẩn thận”, cô nói.

Năm nay, Huệ dự tính không về quê ăn Tết, chỉ gửi ba mẹ tiền sắm sửa cuối năm tương đương một tháng thu nhập. Cô cũng hạn chế đi chơi, mua sắm cho bản thân vì cho rằng “không cần thiết chi tiêu trong dịch”.

“Cái khó khi làm freelance là thu nhập không cố định, không có thưởng Tết. Tuy nhiên, nghề này thoải mái và phù hợp với định hướng cá nhân hơn nên tôi chấp nhận những biến số có thể xảy ra”, cô nói.

May mắn vì nhẹ gánh tiền bạc

Trần Oanh (26 tuổi, TP.HCM), một freelancer thiết kế đồ họa, bận rộn hơn vào những tháng cuối năm với một số dự án.

Cô cho biết vài tháng dịch bệnh vừa qua khiến mức thu nhập của cô bị ảnh hưởng đôi chút, song không đáng kể.

Oanh cho biết cô từng là nhân viên văn phòng. Vì thích cảm giác được tự do và muốn chủ động thời gian hơn, cô chuyển sang làm freelance từ năm 2019.

Mặc dù không còn những tháng thưởng Tết, Oanh không tiếc nuối.

 Trần Oanh chấp nhận bỏ thưởng Tết, tháng lương thứ 13 khi chuyển sang làm freelance.

Trần Oanh chấp nhận bỏ thưởng Tết, tháng lương thứ 13 khi chuyển sang làm freelance.

“Từ khi nhảy việc, thu nhập của tôi vốn cao hơn so với hồi làm tại văn phòng. Tôi cũng được chủ động giờ giấc hơn nên không có gì tiếc cả. Tôi cũng có nhiều dự định phát triển trong tương lai”, cô chia sẻ.

Suốt 7 năm qua, Oanh học tập và làm việc tại TP.HCM. Do đó, Tết Nguyên đán là một trong những dịp quan trọng nhất đối với Oanh, bởi cô được về sum vầy cùng gia đình ở tỉnh Ninh Thuận.

Năm nay, ngoài việc gửi trước một khoản để bố mẹ lo mua sắm Tết, Oanh dự định chuẩn bị chút quà bánh xách tay. Cô cảm thấy tủ quần áo của mình đã quá đủ nên không nghĩ đến việc sắm sửa thêm trang phục diện Tết.

“Với tôi, quan trọng nhất lúc này là tranh thủ kiếm thêm một chút bù cho những tháng thu nhập bị ảnh hưởng, rồi Tết này về với gia đình”, cô chia sẻ.

Tương tự, Chu Hà (26 tuổi, Nha Trang), một freelancer kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, không quá lo lắng nhiều chuyện mua sắm Tết. Giống như mọi năm, cô sẽ đưa tiền cho bố mẹ chủ động chuẩn bị thực phẩm và ít bánh mứt kẹo.

Thay vào đó, cô chỉ thấy áp lực vì nhiều đầu việc cần hoàn thành trước khi bước sang năm mới.

“Nếu hoàn thành hết các dự án cuối năm, chỉ riêng khoản tiền thưởng cũng đủ để tôi chi tiêu Tết”, cô nói.

 Chu Hà cảm thấy may mắn khi công việc vẫn ổn định trong dịch bệnh.

Chu Hà cảm thấy may mắn khi công việc vẫn ổn định trong dịch bệnh.

Hà cảm thấy may mắn khi công việc của mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. Ngoài những yêu cầu sản phẩm nhận từ phía công ty cộng tác, cô cũng nhận làm thêm một số dự án nhỏ bên ngoài.

Nhờ đó, cô có nguồn thu khá ổn định để lo cho bố mẹ và đàn mèo cưng, cũng như phục vụ chi tiêu cá nhân.

Trước đây, Hà từng làm công việc văn phòng trong vài năm, song thu nhập không cao. Khi chuyển về thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cô nghỉ việc và trở lại làm freelancer toàn thời gian để có thể chăm sóc bố mẹ nhiều hơn.

“Tôi nghĩ đây là giai đoạn phát triển khá tốt, với nhiều cơ hội hơn cho những freelancer thiết kế đồ họa. Trong thời đại quảng cáo số và thương mại điện tử, cùng với việc nhiều người ở nhà do dịch bệnh, nhu cầu thiết kế ấn phẩm online ngày càng cao”, Hà chia sẻ.

Dù có sự sụt giảm, MBO Partners cho biết số lượng freelancer sẽ hồi phục dựa trên xu hướng việc làm trong những năm gần đây.

Trong khi thế hệ Millennials dần trở nên nổi bật với tư cách là đầu tàu của ngành lao động tự do, thế hệ Baby Boomer tiếp tục làm việc khi bước vào những năm tháng nghỉ hưu.

Đặc biệt, Gen Z sẽ tích cực tham gia ngành nghề này nhờ xu hướng làm việc từ xa, sự phát triển của thương mại điện tử và điện toán đám mây.

Trang Minh - Hồng Chang

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/freelancer-lo-lang-tien-bac-truoc-tet-post1281717.html