FTA Index 2024: Công cụ mới đánh giá hội nhập kinh tế tại các địa phương

Chiều 8/4, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024. Nguồn: Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024. Nguồn: Bộ Công Thương.

FTA góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với thế giới

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến đầu năm 2025, có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc lễ công bố, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index) hằng năm trong cả nước.

Bộ chỉ số FTA Index nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; hỗ trợ địa phương đánh giá kết quả thực thi FTA theo chương trình hành động đã đề ra; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Theo khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại các địa phương được công bố, việc tiếp cận thông tin về các FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công nhất định về chiều rộng; các doanh nghiệp nắm được đầu mối ở cả Trung ương và địa phương trong việc cung cấp thông tin về các FTA; các hình thức cung cấp thông tin FTA tại các địa phương khá đa dạng, tiếp cận được đến các doanh nghiệp, từ các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tập huấn đến các tài liệu, cổng/trang thông tin điện tử.

Cùng với đó, khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật thực thi các FTA của doanh nghiệp được đảm bảo. Các doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng được các ưu đãi với các mức độ khác nhau phụ thuộc vào ngành hàng, vào địa phương và theo từng hiệp định. Các doanh nghiệp bước đầu nhận thức được các cam kết về phát triển bền vững, đặc biệt là các cam kết về lao động, cam kết về môi trường và đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc thực thi các cam kết này.

Tuy nhiên, mức độ quan tâm và dành các nguồn lực cho việc tìm hiểu và tận dụng các FTA của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự cao; công tác hướng dẫn hoặc tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương vẫn đang tập trung vào các cam kết liên quan đến quy tắc xuất xứ, biểu thuế ưu đãi, chưa chú trọng các cam kết sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

"Các biện pháp hiện hành vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện và tăng cường các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ…"

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, FTA Index là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương, góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và hướng tới xuất khẩu bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện công cuộc đổi mới trong gần 40 năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

"Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là thông qua các FTA - chính là một cánh cửa quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. 17 FTA đã ký kết với trên 60 nền kinh tế hàng đầu thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Việc triển khai và thực thi hiệu quả các FTA không chỉ là để thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, mà còn là động lực thúc đẩy cải cách trong nước, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế," Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế và việc tham gia vào các FTA đã mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam vươn lên thành nước đang phát triển, gắn kết với các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặt ra nhiều thách thức mới.

"Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, hội nhập có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh đó, Bộ chỉ số FTA Index là công cụ quan trọng giúp đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của địa phương, từ đó góp phần xây dựng cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá toàn diện điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện FTA.

FTA Index cũng phản ánh hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Qua đó, các cơ quan có thể đưa ra chính sách phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, nhất là khi các hiệp định ngày càng có phạm vi bao quát rộng và ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. FTA Index cũng đánh giá hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế tại địa phương và góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng, nhất là động lực xuất khẩu và đầu tư.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện công bố FTA Index 2024 - lần đầu tiên xây dựng và thực hiện công bố bộ chỉ số quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, nơi khát vọng thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động.

"Việt Nam thúc đẩy phát triển nhanh, song phải bền vững; phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trước mắt trong năm 2025 phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo. Theo đó, Việt Nam đang làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Trong đó, việc khai thác hiệu quả các FTA là con đường quan trọng để duy trì tăng trưởng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện công cụ này, phục vụ chiến lược kinh tế - thương mại lâu dài của đất nước.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ 17 FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới với đối tác tiềm năng; thực hiện đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng.

Cho rằng bối cảnh tự do thương mại đang có những khó khăn, thách thức; để thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; triển khai việc sắp xếp, tinh giảm tổ chức bộ máy; giảm sách nhiễu, phiền hà, chi phí tuân thủ; tái cấu trúc sản xuất và xuất khẩu theo hướng số hóa, xanh hóa; tăng trưởng nhanh, bền vững.

"Các Bộ, ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu các chính sách, làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia phù hợp; các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp, các Đại sứ quán để kết nối nền kinh tế nước ta với thế giới và doanh nghiệp," Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và bày tỏ tin tưởng, với chiến lược bài bản, sự phối hợp chặt chẽ và công cụ hỗ trợ hiệu quả như Bộ chỉ số FTA Index, lợi ích từ các FTA sẽ được khai thác tối đa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững hơn, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn về hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trong khuôn khổ lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024, gồm: Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Dương, TP HCM, TP Hải Phòng.

 Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024. Nguồn: Bộ Công Thương.

Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024. Nguồn: Bộ Công Thương.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/fta-index-2024-cong-cu-moi-danh-gia-hoi-nhap-kinh-te-tai-cac-dia-phuong-40180.html