Doanh nghiệp hướng tới phục vụ khách hàng cao cấp
Việc tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đang kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược sản phẩm của các nhà bán lẻ Việt Nam. Phân khúc hàng cao cấp đang trở thành 'đường đua' mới cho cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại để giành thị phần.
Định vị lại thị trường bán lẻ
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP Việt Nam năm 2024 tăng 7,09% và được kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 nhờ các động lực hồi phục rõ rệt, trong đó có tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó theo Báo cáo Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam 2025 do KPMG vừa công bố, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2025. Theo đó, mục tiêu tổng bán lẻ tiêu dùng tăng 12% trở lên trong 2025 được cho là khả thi nhờ các yếu tố thúc đẩy như tăng lương, chi trả chế độ cho cán bộ từ tinh giản bộ máy và tiếp tục giảm thuế tiêu dùng. Bên cạnh đó, du lịch cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh với 22 - 23 triệu khách quốc tế, được thúc đẩy bởi việc đơn giản hóa và mở rộng miễn thị thực nhập cảnh.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực công nghiệp phát triển, giúp củng cố niềm tin tiêu dùng và gia tăng sức mua trên diện rộng.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đến năm 2030, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ nằm trong nhóm trung lưu, cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng và mang lại trải nghiệm tốt hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu ngành với năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm có cơ hội chiếm lĩnh thị phần trong các phân khúc cao cấp hơn. Đây chính là mấu chốt để các doanh nghiệp ngành bán lẻ có thêm động lực phát triển và mở rộng mạng lưới.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chuyên gia phân tích thị trường bán lẻ tại Kantar Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Việt hiện không chỉ quan tâm đến giá rẻ. Họ chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và cả trải nghiệm mua sắm.
Nắm bắt xu hướng, các chuỗi bán lẻ như WinMart, BRG Retail, Annam Gourmet đẩy mạnh mặt hàng hữu cơ, thực phẩm nhập khẩu và sản phẩm cao cấp. Cửa hàng tiện lợi GS25, Circle K cũng nhanh chóng bổ sung dòng sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản...

Khách hàng ngày càng chi tiêu nhiều hơn
Trong khi đó, các thương hiệu nội địa như TH True Milk, Vinamilk, Lixco lần lượt tung ra loạt sản phẩm cao cấp như sữa hạt hữu cơ, nước uống collagen, nước giặt thiên nhiên để định vị rõ hơn với nhóm khách hàng trung lưu và có gu tiêu dùng hiện đại.
Thương hiệu ngoại tăng tốc hiện diện
Không chỉ doanh nghiệp nội, các “ông lớn” quốc tế cũng coi Việt Nam là điểm đến chiến lược. Sephora - thương hiệu mỹ phẩm cao cấp toàn cầu, đã chính thức có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, trong khi Uniqlo, MUJI, H&M… tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng, tăng độ phủ ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo bà Bích Trần, Chuyên gia tư vấn phát triển thị trường, khách hàng Việt có sự am hiểu thị trường rất tốt. Họ cập nhật xu hướng nhanh và có nhu cầu rõ ràng với hàng cao cấp. Đây là lý do khiến nhiều thương hiệu ngoại không thể đứng ngoài. Cùng với việc nâng chất hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đầu tư vào không gian bán lẻ, dịch vụ và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ để phân tích hành vi mua sắm và triển khai ưu đãi riêng biệt cho đối tượng khách hàng cao cấp đang trở thành yếu tố sống còn.

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng và mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn.
Bà Lê Ngọc Bích, Giám đốc vận hành một chuỗi bán lẻ mỹ phẩm tại Hà Nội cho biết, khách hàng ở phân khúc này không chỉ đơn thuần mua sắm, mà họ tìm kiếm sự tinh tế trong từng chi tiết. Dù cơ hội lớn, nhưng phân khúc cao cấp cũng đặt ra nhiều thách thức như đòi hỏi nguồn cung ổn định, chất lượng đồng đều và khả năng xây dựng thương hiệu bài bản. Các doanh nghiệp nội địa nếu không đủ năng lực định vị thì rất dễ bị lép vế so với thương hiệu ngoại. Nếu chỉ tăng giá hoặc thay bao bì, người tiêu dùng sẽ nhận ra ngay. Phân khúc cao cấp đòi hỏi sự chỉn chu toàn diện từ sản phẩm đến dịch vụ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp nào chủ động thay đổi, đầu tư bài bản và thực sự thấu hiểu nhu cầu khách hàng sẽ có lợi thế dẫn đầu trong thị trường đang hướng tới những phân khúc sản phẩm tiêu dùng cao cấp này.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-huong-toi-phuc-vu-khach-hang-cao-cap-162917.html