G20 đối mặt với thách thức liên quan tới chống biến đổi khí hậu
Cơ quan giám sát ổn định tài chính (FSB) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã quyết định tạm dừng hoạt động về chính sách liên quan tới biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 sẽ diễn ra tại Nam Phi vào ngày 17-7 tới. Ảnh: G20 South Africa.
Ngày 14-7, FSB đã đưa ra một kế hoạch mới về cách giải quyết rủi ro khí hậu. Tuy nhiên, Hội đồng cơ quan này cho biết, mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc tích hợp rủi ro khí hậu vào hệ thống tài chính, song một số thành viên, bao gồm các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng, vẫn muốn tạm dừng các hoạt động liên quan đến khí hậu.
Đặc biệt, Mỹ đã rút khỏi nhiều nhóm chuyên nghiên cứu về tác động của lũ lụt, cháy rừng. Điều này dẫn đến những thay đổi lớn đối với ổn định tài chính và gây ra những thách thức không nhỏ đối với nỗ lực thúc đẩy chính sách tài chính thống nhất về các rủi ro liên quan đến khí hậu.
"Mặc dù nhiều thành viên cảm thấy cần phải làm nhiều hơn nữa, nhưng một số thành viên lại cho rằng những công việc đã hoàn thành cho đến nay là đủ. Trong tương lai, FSB sẽ đưa ra quyết định về những dự án cụ thể mà họ sẽ thực hiện", FSB cho biết trong bản cập nhật lộ trình khí hậu được thống nhất triển khai từ năm 2021 chuẩn bị được trình lên Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 tại Nam Phi vào ngày 17-7 tới.
FSB sẽ tiếp tục xem xét các chủ đề liên quan đến khí hậu hằng năm và sẽ tập trung vào vai trò là điều phối viên công tác quốc tế về rủi ro khí hậu. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không có kế hoạch thực hiện bất kỳ công tác giám sát và quản lý chính sách quan trọng nào nữa về việc tích hợp rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ cho các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm Quỹ Khí hậu Xanh từ năm 2010 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từ năm 2025. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cắt giảm ngân sách cho các chương trình môi trường, nhiều dự án quan trọng đã mất đi nguồn tài chính quan trọng.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoản đóng góp từ Mỹ chiếm tới 20-30% ngân sách chung của G20 cho các hoạt động liên quan đến khí hậu. Việc thiếu hụt này khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, gặp khó khăn trong việc triển khai các biện pháp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự vắng mặt của Mỹ đã buộc các nước còn lại trong G20, như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc, phải tăng cường đóng góp để bù đắp khoản thiếu hụt. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng hoặc có đủ khả năng tài chính để làm điều này.