Doanh nghiệp sốt ruột vì vẫn còn nhiều vướng mắc
Những câu hỏi của doanh nghiệp tại cuộc Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị của VCCI đang cho thấy sự nóng ruột của giới kinh doanh.

Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do VCCI tổ chức sáng 14/7.
Vướng mắc nằm ở cả luật, nghị định, thông tư
Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị diễn ra trong gần 3 tiếng đồng hồ sáng 14/7/2025, không có thời gian nghỉ nhưng cũng không đủ thời gian cho các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang chỉ có thể điểm danh một vài nội dung vì báo cáo gửi tới VCCI dài tới 30 trang, được tập hợp từ 500 hội viên, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực.
Điều hành Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI liên tục xin lỗi vì phải cắt ngắn các phát biểu và nhắc rằng, đây không phải là hội thảo cuối cùng.
Riêng VCCI đã tổng hợp được 220 phản ánh do các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi về tính từ ngày 19/5/2027 - thời điểm VCCI gửi văn bản lấy ý kiến liên quan đến các vướng mắc về pháp luật kinh doanh.
Các vướng mắc gửi về VCCI đa dạng, có trong nhiều ngành, lĩnh vực, có trong các quy định và cả trong quá trình thực thi. Liên quan đến các vướng mắc trong văn bản pháp lý, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia pháp lý Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các vướng mắc doanh nghiệp gửi tới có trong luật, nghị định đến thông tư.
Số lượng phản ánh nhiều nhất nằm ở nghị định. Trong các vướng mắc VCCI nhận được, có cả những vướng mắc trong các văn bản vừa mới ban hành, phát sinh hiệu lực trong năm 2025.
Phân loại các vấn đề, thì vướng mắc nhiều nhất liên quan đến thủ tục hành chính không rõ ràng, không cần thiết, chưa có hướng dẫn thực thi. Nhiều hồ sơ vẫn được hướng dẫn theo hướng yêu cầu cung cấp tài liệu giấy… Có cả những quy định thủ tục không cần thiết, thậm chí là can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp…
“Ví dụ, chúng tôi nhận ý kiến của doanh nghiệp mất 2 năm vẫn chưa nhận được câu trả lời cho đề nghị sử dụng tiêu chuẩn của Mỹ để thực hiện sử dụng nước thải công nghiệp sau xử lý được tưới cây trong khi chờ đợi tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành. Dù quy định pháp luật cho phép, được các cơ quan trả lời là cơ bản ủng hộ, nhưng đến giờ, doanh nghiệp vẫn đang phải sử dụng nước sạch để tưới cây”, bà Hồng cho biết.
Những mối lo mới trong các dự thảo
Ban Thực phẩm và dinh dưỡng của EuroCham mang đến Hội thảo các vướng mắc rất cụ thể, tác động lớn trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng ban cho rằng, nhiều yêu cầu đang khó hơn, như nội dung hồ sơ đăng ký tăng từ 7 lên 41 mục, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài, như thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký thực phẩm tăng từ 7 lên 90 ngày, thời gian tự công bố tăng từ 1 lên 21 ngày…
“Ví dụ với sản phẩm sữa tươi. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ cần 1 ngày để nộp, được tiếp nhận hồ sơ tự đăng ký. Nhưng dự thảo quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ công bố là 21 ngày. Sản phẩm sữa tươi thanh trung có hạn dùng trong 10 ngày…”, ông Uy ví dụ. Thậm chí, với doanh nghiệp sản xuất sữa tiệt trung bổ sung vitaminA và D đang lo lắng vì phải thực hiện đăng ký trước khi sản xuất, nhưng Dự thảo không quy định thời gian chuyển tiếp.
“Trong thời gian làm hồ sơ, chờ đăng ký thì doanh nghiệp có được hoạt động, hay phải đóng máy chờ giấy phép”, ông Uy đặt vấn đề.
Còn nhiều quy định cụ thể đang khiến doanh nghiệp lo ngại do có thể tác động lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là một phần lý do ông Lê Bá Nam, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Masan đề nghị Bộ Y tế gia hạn thời gian lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định trên.
“Chúng tôi mong muốn là Bộ Y tế tổ chức các buổi thăm và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thêm những ý kiến thực tiễn, đảm bảo là nghị định mới đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nam kiến nghị.
Mong được tham gia góp ý
Điểm chung của các ý kiến gửi tới VCCI là doanh nghiệp mong muốn được biết các vướng mắc sẽ được giải quyết thế nào, cơ chế tiếp nhận, phản hồi, giải trình ra sao? Thực tế, có nhiều kiến nghị liên quan đến các văn bản được ban hành từ 10-15 năm trước, được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần, nhưng đến giờ vẫn chưa được tháo gỡ.
Đặc biệt, bà Đào Thu Huyền, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam đang lo lắng khi tốc độ sửa đổi các văn bản đang rất nhanh, nhiều văn bản vừa được ban hành đã có trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung.
Một mặt, theo bà Huyền, điều này chứng tỏ các cơ quan soạn thảo đang lắng nghe ý kiến, tiến hành rà soát, sửa đổi cho phù hợp, nhưng mặt khác, thời gian quá nhanh cũng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận các bản dự thảo để góp ý cụ thể, sát thực.
"Chúng tôi đề nghị lập các tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, sau đó phối hợp với các bộ, ngành được giao soạn thảo để nghiên cứu, xem xét. Chúng tôi cũng rất mong nhận được phản hồi nếu các ý kiến góp ý không được tiếp thu, để hiểu rõ hơn quan điểm của cơ quan quản lý", bà Huyền đề xuất.
Chia sẻ với những lo lắng của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, thay vì chờ đợi các dự thảo được công bố rồi mới góp ý như trước.
"Lúc này, doanh nghiệp cần cùng vào cuộc rà soát, nhận diện các vướng mắc theo nghĩa chủ động phát hiện, đề xuất các phương án xử lý và gửi tới VCCI, các cơ quan có liên quan. Đây sẽ là việc cần phải làm thường xuyên", ông Tuấn nói.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp mong muốn các doanh nghiệp cùng đồng hành, nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật để từ đó cùng nhau là tìm hướng giải quyết hợp lý. Mục tiêu là tháo gỡ các điểm nghẽn nhanh nhất, hiệu quả nhất và chính xác nhất, đúng và trúng nhất để góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung,sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-sot-ruot-vi-van-con-nhieu-vuong-mac-d330655.html