G20 thăm dò sử dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương
G20 hoan nghênh khả năng sử dụng Tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương với tư cách là công cụ thanh toán xuyên biên giới, phù hợp với việc tăng tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính.
Indonesia, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, sẽ tiếp tục thăm dò khả năng sử dụng Tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC) trong thanh toán xuyên biên giới.
Thông tin trên do Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo công bố ngày 13/10 tại họp báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 (FMCBG) lần thứ 4 tại Washington (Mỹ).
Ông Warjiyo cho biết G20 tiếp tục hoan nghênh CBDC với tư cách là công cụ thanh toán xuyên biên giới, phù hợp với việc tăng cường tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế.
Thống đốc BI khẳng định rằng G20 hoan nghênh các cuộc thảo luận mới về việc thiết lập các hệ thống thanh toán được kết nối với nhau, cũng như việc thiết lập các tùy chọn tiếp cận và tương tác của phương thức thanh toán CBDC.
Theo ông Warjiyo, diễn đàn đa phương này cũng cam kết thúc đẩy triển khai Lộ trình tăng cường thanh toán xuyên biên giới của G20 với mục đích cho phép thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch và bao trùm.
Liên quan đến việc triển khai thanh toán trong khu vực, ông Warjiyo cho hay ngân hàng trung ương của 5 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-5) bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines sẽ ký Thỏa thuận chung về kết nối thanh toán giữa các ngân hàng trung ương ASEAN-5 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới.
Thanh toán xuyên biên giới đã được thảo luận tại FMCBG lần thứ 4. Hội nghị cũng khuyến khích các cam kết củng cố Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu, phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương, tăng vốn cho Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB).
Các cuộc thảo luận tại FMCBG lần thứ 4 cũng tập trung vào tiến độ thực hiện các quy định và giám sát một số vấn đề trong lĩnh vực tài chính, bao gồm thị trường tài sản tiền điện tử, phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, và phổ biến kiến thức tài chính kỹ thuật số.
Trong bối cảnh thế giới đang phục hồi hậu đại dịch COVID-19, G20 đang soạn thảo báo cáo về các chiến lược rút lui và giảm thiểu tác động đối với lĩnh vực tài chính, cũng như nỗ lực giải quyết các lỗ hổng trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI).
Ông Warjiyo cho biết thêm rằng G20 cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực tài chính toàn cầu bằng cách tăng cường giám sát rủi ro tài chính và tối ưu hóa công nghệ và số hóa./.