G20 thụt lùi trong công cuộc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch
Tiến độ của công cuộc từ bỏ hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch của G20 vốn đã chậm chạp, nay còn bị đảo ngược bởi hàng tỷ đô la chuẩn bị đầu tư vào nhiên liệu này khi các nước đối phó với dịch Covid-19.
Sau nhiều lần cam kết chấm dứt những trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, các khoản hỗ trợ từ chính phủ các nước G20 mới chỉ cắt giảm xuống được 9% trong giai đoạn 2014 - 2016, còn chi 584 tỷ đô la mỗi năm trong vòng 3 năm qua.
Tuy nhiên, thành quả nhỏ bé này có thể bị xóa bỏ trong năm nay bởi hàng tỷ đô la chuẩn bị đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch khi các nước đối phó với dịch Covid-19, theo báo cáo mới nhất "Tái diễn và tăng cường: Thẻ điểm của G20 về tài trợ nhiên liệu hóa thạch" của Viện nghiên cứu Phát triển bền vững quốc tế (IISD), Viện nghiên cứu phát triển Hải ngoại (ODI) và Tổ chức Thay đổi dầu khí quốc tế (OCI).
“Từ trước đại dịch Covid-19, Chính phủ các nước G20 đã không theo kịp tiến độ thực hiện các cam kết Thỏa thuận chung Paris về chấm dứt hỗ trợ công cho nhiên liệu hóa thạch,” bà Anna Geddes thuộc IISD cho biết.
“Giờ đây, họ thậm chí đang đi theo hướng ngược lại. Các khoản hỗ trợ dành cho nhiên liệu hóa thạch của G20 dường như vẫn sẽ được duy trì hoặc thậm chí có thể gia tăng trở lại trong năm 2020", theo bà Geddes.
Theo dữ liệu mới nhất từ theo dõi chính sách năng lượng, chính phủ các nước G20 đã chi thêm ít nhất 243 tỷ đô la vào các lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch thông qua các biện pháp phục hồi kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Báo cáo nêu rõ, các nhà nghiên cứu đã xem xét những nỗ lực phục hồi từ Covid-19 gần đây cũng như các chính sách trước đại dịch để xếp hạng tiến độ của công cuộc loại bỏ năng lượng hóa thạch của các nước G20.
Bảy yếu tố được xem xét gồm tính minh bạch, các cam kết, các khoản hỗ trợ công cho than, dầu khí, năng lượng hóa thạch (tính cả sản xuất và tiêu thụ), cũng như mức hỗ trợ đã thay đổi ra sao theo thời gian.
Ở hầu hết các quốc gia được đánh giá, chuyên gia nhận định tiến độ đạt được trong 3 năm vừa qua là “kém” hay thậm chí là “rất kém”, và không có quốc gia nào được đánh giá có “tiến độ tốt” theo hướng thực hiện các mục tiêu đề ra của Thỏa thuận Paris.
Trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) của G20, Đức thực hiện tốt nhất về tổng thể việc loại bỏ dần tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, trong khi Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh xếp hạng thấp nhất. Trong số các nước G20 không thuộc OECD, Brazil đạt điểm cao nhất trong khi Ả Rập Saudi đứng cuối bảng xếp hạng.
Đức dẫn đầu về tính minh bạch, những cam kết mạnh mẽ và mức hỗ trợ giảm tương đối cho sản xuất dầu khí và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tổng tài trợ của quốc gia này cho nhiên liệu hóa thạch đã giảm 35% so với năm 2014 – 2016.
Thành tích tương đối tốt của Brazil xuất phát từ mức hỗ trợ thấp dành cho sản xuất than, tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo bà Geddes, “các biện pháp mới đang được xem xét có thể sớm đảo ngược những bước tiến này”.
Ở chiều ngược lại, Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng ở mức kém do còn thiếu minh bạch và mức trợ cấp cho sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn lớn, trong khi Mexico mất điểm trầm trọng khi vẫn còn tích cực hỗ trợ cho sản xuất dầu khí và năng lượng hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận Ả Rập Saudi tiếp tục tài trợ mạnh mẽ cho sản xuất dầu khí và năng lượng hóa thạch, chủ yếu thông qua các khoản chi khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước và giá năng lượng tiêu dùng thấp.
“Không có quốc gia G20 nào đang thực hiện mục tiêu như mong đợi, nhưng vẫn có một số tấm gương để các nước học hỏi”, bà Angela Picciariello của ODI cho biết.
“Một nhà lãnh đạo thực thụ sẽ noi theo tinh thần minh bạch và cam kết mạnh mẽ của Đức và tiến một bước xa hơn Ý với kế hoạch cụ thể loại bỏ nhanh chóng không chỉ khoản hỗ trợ cho than đá mà cả dầu và khí đốt. Để hiện thực hóa mục tiêu 1,5°C và tránh hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, các chính phủ G20 nên loại bỏ mọi chính sách hỗ trợ tiếp tục cho nhiên liệu hóa thạch, trong chi tiêu phục hồi hoặc các hình thức khác", bà Picciariello nhận định.
Báo cáo này và các dữ liệu gần đây về những chính sách phục hồi từ Covid-19 đã chỉ ra rằng tiến độ của công cuộc từ bỏ hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch vốn đã chậm chạp, nay còn bị đảo ngược, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng trước mắt vẫn còn có cơ hội cho chính phủ các nước lật ngược tình thế.
“Chính phủ các nước đang triển khai các khoản tài chính công lịch sử để ứng phó với đại dịch. Thay vì đổ thêm dầu vào lửa cho một cuộc khủng hoảng lớn khác xảy ra - ở đây là biến đổi khí hậu - chính phủ của chúng ta nên đầu tư cho một tương lai kiên cường,” bà Bronwen Tucker của OCI cho biết.
“Chúng ta đang ở ngưỡng cửa cơ hội quan trọng cho chính phủ các nước chuyển dịch những khoản hỗ trợ dành cho nhiên liệu hóa thạch hiện nay sang các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bảo trợ xã hội và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”, bà Bronwen bổ sung.
Còn bà Geddes nhận định, “các kế hoạch không phát thải của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được công bố gần đây và sáng kiến Thỏa thuận Xanh của EU cho thấy rằng vẫn còn nguồn động lực để nâng tham vọng và thể hiện cam kết hành động vì khí hậu”.
“Hội nghị thượng đỉnh Tài chính chung hiện nay, hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 28 tháng 11 và lễ kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris vào tháng 12 là những cơ hội để triển khai những triển vọng này. Mặc dù ba năm qua chính phủ các nước đã không cho thấy nhiều tiến triển, nhưng chúng ta có thể biến ba năm tới trở thành một bước ngoặt”, theo bà Geddes.