G7 công bố dự án 600 tỷ USD cạnh tranh với Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'
Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng trị giá 600 tỷ USD để cạnh tranh với Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc.
Thông qua các dự án đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, những nước này hi vọng có thể tăng cường kết nối với các nền kinh tế trọng điểm và những nước có tiềm năng kinh tế lớn tại khắp các châu lục.
Tại cuộc họp thường niên diễn ra ở lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng các đối tác trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã chính thức khởi động Sáng kiến mang tên “Đối tác về Cơ sơ hạ tầng và đầu tư toàn cầu”.
Trọng tâm của dự án là các khoản đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ khí hậu, hệ thống giao thông, y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nguồn tiền phần lớn do các công ty tư nhân cam kết đầu tư tới năm 2027, trong đó có 200 tỷ USD từ phía Mỹ và 400 tỷ USD từ các nền kinh tế còn lại.
Theo Tổng thống Joe Biden, 600 tỷ USD mới chỉ là bước khởi đầu. Mỹ và các đối tác đang cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho mọi người trên khắp thế giới: “Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các quốc gia của chúng ta. Đó là cơ hội để chúng ta chia sẻ tầm nhìn tích cực cho tương lai, nhưng cũng để các cộng đồng trên toàn thế giới tự nhìn nhận những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ”.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, dự án sẽ góp phần tạo động lực đầu tư tích cực và mạnh mẽ cho thế giới: “Khi nền kinh tế toàn cầu chỉ mới vừa phục hồi, cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giá cả tăng cao ở khắp mọi nơi, từ thực phẩm đến năng lượng, gây ra sự bất ổn sâu sắc, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Đây là những thách thức rất nghiêm trọng. Chúng ta sẽ cho thế giới thấy rằng khi làm việc cùng nhau, các nền dân chủ sẽ cung cấp một con đường tốt nhất để mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta và trên toàn thế giới”.
Trên thực tế, “Đối tác về Cơ sơ hạ tầng và đầu tư toàn cầu” không phải là một dự án đầu tư hoàn toàn mới, mà đã được công bố cách đây một năm tại Anh, nhưng với cái tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”.
Kế hoạch nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Thông qua một loạt các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, G7 muốn tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á và châu Phi như Bắc Kinh đang làm trong suốt gần 1 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều dự án đầu tư khác, “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu” cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của lạm phát và cuộc xung đột tại Ukraine. Kế hoạch đã trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Chỉ riêng việc cuộc họp G7 năm nay tập trung nhiều hơn vào việc hạ giá dầu và khí đốt hơn là giảm ngay lập tức khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho thấy những khó khăn mà các nền công nghiệp hàng đầu gặp phải trong cuộc cạnh tranh kinh tế và thương mại ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.
Chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nước chủ trì hội nghị năm nay cũng phải thừa nhận, nỗ lực của G7 trong thúc đẩy cơ sở hạ tầng trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị hiện nay./.