G7 đồng thuận áp giá trần lên dầu Nga, OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu
Theo AFP, tại cuộc họp ở Vienna, Áo, ngày 4/12, Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait khẳng định các quyết định của OPEC+ đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này.
Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi công bố quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023. Mỹ đã cáo buộc OPEC+ và một trong những nước dẫn dắt nhóm là Saudi Arabia là đứng về phía Nga.
Tuy nhiên, OPEC+ lập luận rằng nguyên nhân khiến họ cắt giảm sản lượng là vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10/2022 khi kinh tế Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng chậm lại và môi trường lãi suất cao hơn.
Ngày 3/12, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Trước đó một ngày, G7 và Australia đã áp mức trần giá dầu nói trên đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, trong một động thái nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của quốc gia châu Âu này trên thị trường toàn cầu.
Phản ứng về động thái trên, Moscow khẳng định sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu mỏ của nước này và cho rằng việc các chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái "nguy hiểm".
Nhiều nhà phân tích và các bộ trưởng OPEC cho rằng việc áp giá trần là khó hiểu và có thể không hiệu quả vì Nga đang bán phần lớn dầu của mình cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ.