G7, thương mại và cân bằng carbon
Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia nhóm G7, lần lượt diễn ra vào cuối tháng 4 tại Sapporo và vào tháng 6/2023 tại Hiroshima (Nhật Bản) là cơ hội duy nhất để tạo ra một khuôn khổ chung nhằm điều chỉnh các chính sách thương mại cho phù hợp với mục tiêu khí hậu. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đối với toàn bộ các sản phẩm có liên quan đến phá rừng.
Thúc đẩy và ngáng trở
Thỏa thuận Paris, được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thông qua vào năm 2015, cung cấp một khuôn khổ chung với tham vọng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực để duy trì ở mức 1,5%. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không tính đến các chính sách thương mại của các quốc gia ký kết và không khuyến khích các chính sách thương mại do tính đến các mục tiêu giảm thiểu rủi ro khí hậu. Các chính sách thương mại có thể gây ra những hậu quả có hại đối với hành động vì khí hậu, bằng chứng là sự gia tăng liên tục và lâu dài lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ quá trình sản xuất và vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.
Lượng khí thải này chiếm trung bình hơn 20% tổng lượng khí thải toàn cầu. Các thỏa thuận thương mại, đôi khi ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn bảo vệ môi trường, thực sự có khả năng dẫn đến sự gia tăng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động vận tải và trao đổi thương mại đối với những hàng hóa sử dụng nhiều carbon. Ngoài ra, các chính sách thương mại - do dựa trên khả năng tiếp cận dễ dàng và ít tốn kém đối với các nhiên liệu hóa thạch - có nguy cơ không khuyến khích việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong các chuỗi sản xuất. Do vậy, để đảm bảo rằng các chính sách thương mại quốc tế phù hợp với mục tiêu khí hậu đã đặt ra, cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn cầu có tính đến những tác động tích cực và tiêu cực của thương mại quốc tế đối với khí hậu.
Các chính sách thương mại có thể hỗ trợ hành động vì khí hậu trong 2 lĩnh vực chính: Thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ carbon thấp và tạo thị trường cho các sản phẩm trung hòa carbon. Do vậy, các quốc gia có thể xây dựng các thỏa thuận thương mại gắn với các yêu cầu về hàm lượng carbon của hàng hóa nhập khẩu để có thể khuyến khích triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro xanh hoặc các thỏa thuận thương mại có nội dung chấm dứt tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Những thỏa thuận thương mại như vậy sẽ mang lại lợi ích kép là giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trung hòa carbon mới, đồng thời tạo việc làm mới trong các ngành này.
Vai trò của G7
Các nước thành viên G7 phải tái khẳng định cam kết của họ về vấn đề trung hòa carbon công nghiệp trong thời hạn được ấn định trong Thỏa thuận Paris. Mặc dù họ đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon cho đến năm 2050, nhưng các quốc gia này sẽ phải giải quyết vấn đề trung hòa carbon sâu trong tất cả các nền kinh tế của họ, bao gồm cả nền kinh tế của ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng hoặc hóa chất. Câu lạc bộ khí hậu do G7 thành lập năm 2022 cần được củng cố về chức năng và tham vọng của mình.
G7 cần làm rõ chiến lược trung hòa carbon công nghiệp của mình để có thể đẩy nhanh chiến lược này nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Độ tin cậy của các mục tiêu này cần được củng cố, bởi điều này khuyến khích các hoạt động đầu tư cần thiết cho các nỗ lực trung hòa carbon. Các nước công nghiệp hóa khác phải coi việc giảm lượng khí thải và cường độ carbon của hàng hóa thương mại là nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách thương mại của họ. Các chính sách nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rò rỉ carbon, chẳng hạn Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon châu Âu (CBAM) đã vấp phải sự hoài nghi của một số quốc gia, trong đó có một số thành viên của G7 và vẫn bị chỉ trích vì mang tính chất bảo hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách táo bạo này sẽ mang tính quyết định để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Lựa chọn chính sách khả thi tốt nhất cho một quốc gia không phải lúc nào cũng là lựa chọn của các đối tác thương mại và điều này có thể tạo ra căng thẳng, đôi khi dẫn đến các biện pháp trả đũa.
Các nước công nghiệp hóa cũng được hưởng lợi khi hỗ trợ việc tạo ra một khung pháp lý chung, bao gồm cả các nước đang phát triển, trước năm 2030. Ngược lại, sự miễn cưỡng trong việc áp dụng các chính sách khí hậu, để phòng nguy cơ rò rỉ carbon sẽ khiến quá trình trung hòa carbon của các ngành công nghiệp trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Do vậy, G7 nên đặt ra thời hạn rõ ràng để đạt được một khuôn khổ chung cho sự liên kết chính sách thương mại và khí hậu, dựa trên các sáng kiến quốc gia và khu vực hiện có. Sự liên kết của các chính sách thương mại quốc tế với các mục tiêu trung hòa carbon giờ đây phải trở thành một trong những nền tảng của các nỗ lực toàn cầu.
Bằng cách khuyến khích áp dụng các công nghệ carbon thấp và loại bỏ các chính sách thương mại không tương thích với các mục tiêu về khí hậu, các nước G7 có thể đóng góp vào sự phát triển của một nền kinh tế toàn cầu bền vững cho các thế hệ tương lai, đồng thời truyền cảm hứng cho các quốc gia không phải là thành viên làm điều tương tự.