G7 tuyên bố hỗ trợ cho Ukraine 'đến chừng nào còn có thể'
Hôm thứ Hai (27/6), Nhóm 7 quốc gia (G7) tuyên bố sẽ sát cánh với Ukraine đến 'chừng nào còn có thể', đồng thời hứa hẹn sẽ thắt chặt tài chính của Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới.
Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria Alps thông qua một liên kết trực tuyến, yêu cầu cung cấp vũ khí và hệ thống phòng không trong cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào ngày 27/6. Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo G7 và EU chụp ảnh chung tại Lâu đài Elmau trên dãy núi An-pơ. Ảnh: EPA
Chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng và phức tạp, khi tên lửa đã bắn trúng một trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchuk của Ukraine vào ngày 27/6. Ảnh: AP
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 nhằm mục đích báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong chặng đường dài, bất chấp lạm phát tăng vọt và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã thử thách sự kiên nhẫn và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể", tuyên bố cho biết.
Sau khi tên lửa tấn công Kiev hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này đang sẵn sàng cung cấp một gói vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không tầm xa và đạn dược. Các nước G7 cho biết họ cũng đã cam kết hoặc sẵn sàng viện trợ tới 29,5 tỷ USD cho Ukraine.
Các quốc gia G7, chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế của thế giới, muốn gây sức ép lên Nga mà không gây ra lạm phát tăng vọt vốn đang gây ra căng thẳng trong khối và tàn phá toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt mở rộng cũng sẽ nhắm vào nguồn thu của Nga từ xuất khẩu vàng, sản xuất quân sự và các quan chức do Nga hậu thuẫn tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine. Họ cũng lên kế hoạch áp đặt trần giá dầu Nga, nhằm mục đích gây thiệt hại cho Nga và để hạ giá năng lượng.
"Các mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 là nhắm trực tiếp vào doanh thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, nhưng cũng để giảm thiểu tác động đến các nền kinh tế G7 và phần còn lại của thế giới", một quan chức Mỹ cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.
Các nước G7 cũng đang thuyết phục 5 quốc gia khách mời để hạn chế doanh thu của Nga, cũng như để đàm phán về biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế, an ninh lương thực và bình đẳng giới tại hội nghị thượng đỉnh này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói về các khách mời - gồm Ấn Độ, Argentina, Indonesia, Senegal và Nam Phi - rằng: "Điều quan trọng, tốt đẹp và cần thiết là chúng ta cần nói chuyện với nhau…".
Hoàng Anh (theo Reuters, AP)