Ga Bình Triệu giảm 2/3 diện tích, hàng nghìn hộ dân khả năng thoát quy hoạch treo 20 năm

Báo cáo cuối kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, trong đó ga Bình Triệu chỉ còn diện tích hơn 15 ha (trước đây là 47 ha).

“Ga Bình Triệu là đầu mối giao thông, trung chuyển hành khách, thu gom và phân tán khách đến/đi từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác. Quy mô xây dựng ga, diện tích dự kiến khoảng 15,1 ha”, báo cáo cuối kỳ của Liên danh tư vấn nêu.

Ga Bình Triệu giảm 2/3 diện tích

Theo đó, ga Bình Triệu thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức sẽ có kết cấu tuyến, nhà ga trên cao dự kiến ba tầng, quảng trường ga (tích hợp bãi đỗ xe và kết hợp phương tiện giao thông công cộng); công trình khác (cây xanh, hàng rào), bãi đỗ xe phía trên mặt đất, trung tâm thương mại/dịch vụ kết hợp cùng nhà ga, trung tâm thương mại/dịch vụ/bãi đỗ xe ngầm).

Trong bản vẽ của báo cáo cuối kỳ cũng thể hiện ga Bình Triệu giảm diện tích đến 2/3 so với quy hoạch trước đây.

 Mặt bằng điều chỉnh ranh quy hoạch ga Bình Triệu theo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn. Ảnh: Báo cáo của liên danh tư vấn

Mặt bằng điều chỉnh ranh quy hoạch ga Bình Triệu theo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn. Ảnh: Báo cáo của liên danh tư vấn

Cụ thể, tháng 3-2002, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với Khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu, quy mô hơn 41 ha. Năm 2013 Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật phía Bắc.

Vào tháng 9-2013, TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1/2000 đối với Khu đầu mối giao thông Bình Triệu, diện tích ga Bình Triệu được điều chỉnh tăng lên thành 47,35 ha.

Đến nay, dự án dự kiến chỉ còn diện tích hơn 15 ha, phần diện tích ga mới chỉ bao gồm phần diện tích hiện nay là bãi đất trống có các đoàn tàu cũ và khu nhà của đơn vị đường sắt, phần diện tích (phía sau bãi đất trống) theo quy hoạch trước đây gồm đa phần là nhà dân gần như đã bị đưa ra khỏi dự án.

Ghi nhận thực tế tại bãi đất trống dự kiến làm ga mới (gần khu vực giao với quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng) cho thấy, trong khu đất có đường sắt chạy qua này có cả những toa tàu cũ kỹ và cả nhà dân trong khu vực sát đường ray. Thậm chí trong khu vực đất trống gần các toa tàu cũ, người dân còn tận dụng làm những ô trồng rau.

Điều chỉnh chức năng ga Bình Triệu

Vẫn theo báo cáo cuối kì: Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật cho các tuyến đường sắt phía Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Lộc Ninh. Đồng thời, tại ga có các cơ sở sửa chữa, chỉnh bị, vận dụng đầu máy, toa xe khách.

 Phần lớn diện tích ga mới gần như nằm trong khu đất trống hiện nay của ga Bình Triệu đang bỏ hoang. Ảnh: K.C

Phần lớn diện tích ga mới gần như nằm trong khu đất trống hiện nay của ga Bình Triệu đang bỏ hoang. Ảnh: K.C

Còn trong quy hoạch lần này, liên danh tư vấn đề xuất điều chỉnh/bổ sung phương án tổ chức chạy tàu, hướng tuyến quy hoạch tại ga Bình Triệu: Tổ chức chạy đoàn tàu khách xuyên tâm từ ga An Bình - ga Bình Triệu – ga Sài Gòn – ga Tân Kiên, bổ sung quy hoạch hướng tuyến xuyên tâm Bình Triệu – Sài Gòn (Hòa Hưng) – Tân Kiên.

Đồng thời, di dời các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe khách về tổ hợp ga An Bình. Do đó, ga Bình Triệu sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ so với quy hoạch trước.

Theo đó, ga Bình Triệu sẽ đón, tiễn khách đi các đoàn tàu liên vận đi Campuchia. Cùng đó, cho hành khách lên xuống các đoàn tàu đường dài hoặc tàu khách liên vùng của đường sắt quốc gia, có thể đi Cần Thơ, Lộc Ninh, Tây Ninh và Vũng Tàu (xuyên tâm TP.HCM qua ga Sài Gòn/ Hòa Hưng).

Khu vực xung quanh quảng trường ga định hướng quy hoạch, bố trí bãi/bến đỗ bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân tạo sự thuận tiện cho hành khách, cho người dân thuận lợi trong quá trình đi lại.

Theo UBND quận Thủ Đức cũ (nay là TP Thủ Đức), dự án ga Bình Triệu "treo" nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của hơn 3.200 hộ gia đình, với hơn 15.000 nhân khẩu.

Nhiều căn nhà trong khu quy hoạch xuống cấp, nhưng không thể xây mới mà chỉ được sửa chữa nhỏ. Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, ngoằn ngoèo, chật hẹp.

Trước thực trạng đó, UBND quận Thủ Đức cũ (nay là TP Thủ Đức, Sở GTVT TP.HCM và UBND TP.HCM nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai ga Bình Triệu, nhưng chưa được thực hiện.

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ga-binh-trieu-giam-23-dien-tich-hang-nghin-ho-dan-kha-nang-thoat-quy-hoach-treo-20-nam-post803030.html