Phương án nào cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm nay? (Bài 3)

Ngành chức năng Lâm Đồng đã lên phương án chi tiết việc sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc, quản lý tài sản công của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và tại 10 xã khi thực hiện sắp xếp sáp nhập thành ĐVHC mới trong giai đoạn 2023-2025.

Bài 3: Sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc

Khu vực trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh nhìn từ trên cao. Ảnh: Thân Thu Hiền

Khu vực trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh nhìn từ trên cao. Ảnh: Thân Thu Hiền

NGUYÊN TẮC SẮP XẾP

Theo số liệu của Sở Tài chính Lâm Đồng, tổng số nhà, đất hiện có của các đơn vị sáp nhập cần sắp xếp dự tính là 463 cơ sở.

Theo nguyên tắc, việc sắp xếp phải đảm bảo tiêu chuẩn, định mức làm việc của các cơ quan, ĐVHC mới (căn cứ theo Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ sử dụng về trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 21/7/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về tiêu chuẩn diện tích chuyên dùng tại các cơ quan thuộc tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế). Việc xử lý các cơ sở trên cũng phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Theo nguyên tắc trên, sau khi rà soát, ngành chức năng tỉnh chia các cơ sở nhà, đất tại các ĐVHC thành 4 nhóm, gồm nhóm “Giữ lại tiếp tục sử dụng”, nhóm “Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng”, nhóm “Thu hồi” và nhóm “Điều chuyển”.

Trong nhóm “Giữ lại tiếp tục sử dụng” được xác định có các cơ sở thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh được sử dụng làm khối cơ quan, ĐVHC huyện mới; các cơ sở thuộc khối UBND xã, thị trấn khi huyện sáp nhập nhưng tên gọi, địa giới hành chính xã, trị trấn giữ nguyên; các cơ sở là trung tâm y tế, trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp cũng được giữ nguyên nhằm bảo đảm theo yêu cầu đảm bảo mạng lưới y tế - giáo dục phục vụ Nhân dân, đúng mục đích được giao.

Các cơ sở đặc thù, cần thiết như Hạt kiểm lâm, Trạm quản lý, bảo vệ rừng làm nơi tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính cũng thuộc nhóm giữ lại và tiếp tục sử dụng nhằm đáp ứng được tính cơ động trong quản lý, bảo vệ rừng (Hạt Kiểm lâm theo ĐVHC mới có trụ sở tại Đạ Tẻh nhưng tuần tra, kiểm soát, chữa cháy rừng tại các xã thuộc huyện Đạ Huoai hiện nay khá xa, không đáp ứng được kịp thời, do đó cần giữ lại). Cùng đó các Ban quản lý khai thác công trình công cộng làm nơi tập kết phương tiện xe rác, vận chuyển rác; các Ban Quản lý chợ cũng được giữ lại và tiếp tục sử dụng.

Nhóm “Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng” gồm các cơ sở trong thời gian chờ ĐVHC mới, nhằm phục vụ người dân khi kê khai, đăng ký chuyển đổi các thủ tục hành chính của ĐVHC mới, gồm Khối Văn phòng UBND và HĐND, Huyện ủy của huyện Cát Tiên và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Cát Tiên hiện nay.

Nhóm “Thu hồi” gồm các cơ sở sau khi sáp nhập không còn nhu cầu sử dụng nữa. Sau khi thu hồi sẽ tổ chức khai thác (bán đấu giá, cho thuê) theo quy định. Còn nhóm “Điều chuyển” gồm các trường hợp chuyển công năng sang phục vụ cho cộng đồng hay làm nhà mẫu giáo cho trẻ em trên địa bàn.

ĐVHC mới sẽ làm việc tập trung tại Trung tâm hành chính hiện có của huyện Đạ Tẻh hiện nay. Trong ảnh: Một con đường tại khu vực trung tâm thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: T.H.H

ĐVHC mới sẽ làm việc tập trung tại Trung tâm hành chính hiện có của huyện Đạ Tẻh hiện nay. Trong ảnh: Một con đường tại khu vực trung tâm thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: T.H.H

NHIỀU CƠ SỞ DÀNH CHO HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG

Với cấp huyện, tại 3 huyện hiện nay có 391 cơ sở nhà đất cần sắp xếp, trong đó giữ lại tiếp tục sử dụng 372 cơ sở. Trong số này huyện Đạ Huoai có 72 cơ sở gồm 68 cơ sở là UBND xã, trạm y tế, giáo dục; 4 cơ sở đặc thù, cần thiết là Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng Nam Huoai, Trung tâm Nông nghiệp.

Tại huyện Đạ Tẻh có 158 cơ sở được giữ lại, gồm 151 cơ sở là UBND xã, trạm y tế, cơ sở giáo dục; 6 cơ sở để làm trụ sở của các cơ quan thuộc đơn vị hành chính mới: Văn phòng HĐND và UBND, BQL Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng, Ban Quản lý chợ, Hạt Kiểm lâm, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Văn phòng Huyện ủy.

Tại Cát Tiên có 142 cơ sở tiếp tục sử dụng gồm 139 cơ sở là UBND xã, trạm y tế, cơ sở giáo dục và 3 cơ sở đặc thù, cần thiết là Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác công trình công cộng.

Cấp huyện có 3 cơ sở tạm giữ lại tiếp tục sử dụng tại Cát Tiên gồm Văn phòng UBND và HĐND huyện (được tạm giữ lại tiếp tục sử dụng phục vụ Nhân dân khi kê khai, đăng ký chuyển đổi các thủ tục hành chính của ĐVHC mới); Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (được giữ lại để sau xây dựng Nhà văn hóa thị trấn Cát Tiên) và Huyện ủy Cát Tiên. Thời hạn tạm sử dụng các cơ sở này không quá 12 tháng, sau đó thu hồi. Riêng huyện Đạ Huoai, do UBND huyện Đạ Huoai không đề xuất tạm sử dụng nên được thu hồi.

Có 13 cơ sở cấp huyện được thu hồi, trong đó huyện Đạ Huoai có 8 cơ sở gồm Văn phòng UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm Văn hóa, Đài Truyền thanh Truyền hình cũ, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng, Ban Quản lý rừng Nam Huoai tại đường Trần Phú, Văn phòng Huyện ủy.
Tại Cát Tiên có 5 cơ sở được thu hồi gồm Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Nông nghiệp; Trung tâm Phát triển quỹ đất cũ, nhà ở công vụ Huyện ủy.

Ngành chức năng cũng điều chuyển 3 cơ sở, trong đó tại Đạ Huoai điều chuyển 1 cơ sở là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị điều chuyển cho Ban Quản lý Đầu tư và Khai thác công trình công cộng; tại huyện Đạ Tẻh điều chuyển 2 cơ sở gồm Phòng Giáo dục - Đào tạo điều chuyển cho Trường Mầm non thị trấn Đạ Tẻh và Công ty Cổ phần Đường bộ 2 điều chuyển cho thị trấn Đạ Tẻh làm nhà sinh hoạt cộng đồng.

Với cấp xã, tổng số nhà, đất hiện có cần sắp xếp 72 cơ sở, trong đó giữ lại để tiếp tục sử dụng 67 cơ sở ; thu hồi 2 cơ sở và điều chuyển 3 cơ sở.

Trong 67 cơ sở cấp xã giữ lại và tiếp tục sử dụng, nhiều nhất là tại Đạ Huoai với 35 cơ sở trong đó xã Đạ Oai có 8 cơ sở (1 UBND xã, 1 khối đoàn thể, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ)); xã Đạ Tồn có 3 cơ sở (nhà SHCĐ); xã Hà Lâm có 6 cơ sở (1 trụ sở, 5 nhà SHCĐ); xã Đạ Ploa 6 cơ sở (1 trụ sở, 5 nhà SHCĐ); xã Đoàn Kết có 5 cơ sở (1 trụ sở, 4 nhà SHCĐ); xã Phước Lộc có 7 cơ sở (1 trụ sở, 6 nhà SHCĐ).

Tại Đạ Tẻh có 16 cơ sở được giữ lại và tiếp tục sử dụng gồm xã Quảng Trị 8 cơ sở (1 trụ sở UBND xã, 7 nhà SHCĐ); xã Triệu Hải có 8 cơ sở (nhà SHCĐ). Còn tại Đơn Dương có 16 cơ sở được giữ lại và tiếp tục sử dụng gồm xã Quảng Lập có 7 cơ sở (nhà SHCĐ), xã Pró có 9 cơ sở (1 trụ sở UBND xã, 8 nhà SHCĐ).

Có 2 cơ sở cấp xã bị thu hồi dịp này gồm trụ sở UBND xã Quảng Lập và Nhà văn hóa xã Pró, Đơn Dương. Có 3 cơ sở điều chuyển gồm trụ sở làm việc mới của UBND xã Đạ Tồn - Đạ Huoai sẽ được điều chuyển cho UBND xã Đạ Oai vì trụ sở UBND xã Đạ Oai hiện nay được xây dựng thành cụm văn hóa và sân vận động xã Đạ Oai. Tại Đạ Tẻh, có 2 cơ sở điều chuyển gồm trụ sở làm việc UBND xã Triệu Hải, được điều chuyển cho Trường Mầm non Hoa Hồng và Nhà văn hóa xã Triệu Hải được giao cho thôn làm nhà SHCĐ.

Đợt này có 3 trụ sở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các huyện Đạ Huoai, Cát Tiên đã được chuyển giao về cho huyện quản lý gồm Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cát Tiên; Đội thuế Số 1 và Đội thuế Số 2 thuộc Chi cục Thuế khu vực Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tại thị trấn Mađaguôi và xã Phước Cát, Cát Tiên. Sở Tài chính Lâm Đồng đã đề xuất các cơ sở này sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, khai thác theo quy định.

Sau khi sắp xếp nhà, đất dôi dư, ĐVHC mới sẽ làm việc tập trung tại Trung tâm hành chính hiện có của huyện Đạ Tẻh hiện nay tại 2 khối nhà gồm Khối cơ quan Đảng - Đoàn thể và Khối Nhà nước với các cơ quan chuyên môn. Tại đây, về cơ bản các công trình của 2 khối nhà này lâu nay đã được đầu tư xây dựng khá bài bản.

Trong tháng 7/2024 vừa qua, HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng có Nghị quyết 314/2024/NQ- HĐND quy định nhiệm vụ chi và mức hỗ trợ đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030. Theo đó ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ thêm 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm. Số tiền hỗ trợ này được sử dụng để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; xây dựng hệ thống điều hành thông minh; lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC; chi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp ĐVHC cũng như các nhiệm vụ khác có liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

(CÒN NỮA)

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202409/phuong-an-nao-cho-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-trong-nam-nay-bai-3-29c0383/