'Gã khổng lồ' ẩm thực gặp khó vì khách hàng ngày càng lười ra đường

Doanh số của McDonald's đã giảm vào đầu năm, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp sụt giảm khi khách hàng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế bất ổn...

Ảnh: WSJ

Ảnh: WSJ

Doanh thu ròng trong quý đầu tiên là 1,87 tỷ USD, giảm so với mức 1,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, McDonald’s lưu ý rằng vì năm ngoái có Ngày nhuận, hay một ngày thêm để kiếm tiền, nên đã ảnh hưởng nhẹ đến doanh số của hãng vào năm 2025.

Công ty báo cáo doanh số bán hàng toàn hệ thống cho các thành viên chương trình khách hàng thân thiết trên 60 thị trường đạt khoảng 8 tỷ USD trong quý và hơn 31 tỷ USD trong 12 tháng qua trong đó doanh số bán hàng của McDonald's tại Mỹ - thị trường lớn nhất của hãng - giảm 3,6% trong quý đầu năm nay bất chấp chiến dịch tiếp thị gắn liền với bộ phim Minecraft và các ưu đãi về giá kéo dài.

Lượng khách hàng Mỹ đến chuỗi cửa hàng burger này ít hơn trong ba tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2020 thời đại dịch. CEO McDonald's Chris Kempczinski cho biết công ty đang tìm hướng đi trong "điều kiện thị trường khó khăn nhất", khi nhu cầu từ thực khách giảm ở nhiều thị trường trọng điểm.

"Trong quý đầu năm, căng thẳng địa chính trị đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về kinh tế, cũng như làm giảm tâm lý người tiêu dùng nhiều hơn chúng tôi dự đoán", CEO Kempczinski cho biết.

Kết quả kinh doanh trên lặp lại những cảnh báo gần đây từ các chuỗi kinh doanh dịch vụ ẩm thực như Domino's Pizza, Chipotle Mexican Grill và Starbucks, rằng người Mỹ đã chi tiêu ít hơn cho việc ăn uống bên ngoài. McDonald's đã nỗ lực trong nhiều tháng để cố gắng khơi dậy lại sự nhiệt tình của khách hàng sau khi phải đối mặt với phản ứng dữ dội về việc giá cả tăng cao, đặc biệt là từ các hộ gia đình có thu nhập thấp.

"Người tiêu dùng không quá khá giả nên họ dễ bị tổn thương trước tác động của lạm phát và giá cả tăng. Một trong những lĩnh vực đầu tiên mà họ cắt giảm là ăn uống bên ngoài", nhà phân tích Sky Canaves của EMarketer cho biết. Việc áp thuế của chính quyền Donald Trump đã làm trầm trọng thêm áp lực cân đối thu nhập và chi tiêu của nhóm khách hàng có thu nhập thấp ở Mỹ và châu Âu, những khách hàng thường xuyên.

Tính chung trên toàn cầu, doanh số bán này của McDonald's sụt 1% trong quý 1. Trước đó, các nhà phân tích Phố Wall, dự kiến doanh số bán hàng cùng cửa hàng trên toàn cầu của chuỗi thức ăn nhanh này sẽ tăng trung bình 0,5%.

Cổ phiếu McDonald's giảm trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ngay sau khi công ty công bố kết quả quý 1 năm 2025 thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Công ty báo cáo thu nhập điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu đạt 2,60 USD, thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích là 2,69 USD.

Trên thực tế năm 2024 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu suy giảm và là một trong những năm đáng quên nhất của McDonald’s khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này liên tiếp đối mặt với những khó khăn lớn, từ suy thoái kinh tế đến khủng hoảng an toàn thực phẩm. Năm ngoái, sau giai đoạn tụt giảm vào mùa hè vốn là mùa du lịch bùng nổ, McDonald’s đã cố gắng vực dậy doanh số bằng việc ra mắt Chicken Big Mac.

Tuy nhiên, chưa kịp ăn mừng, họ đã gặp phải cú sốc lớn khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo về đợt bùng phát vi khuẩn E. Coli có liên quan đến burger Quarter Pounder. Lượng khách đến McDonald’s tại Mỹ giảm mạnh ngay sau khi tin tức bùng phát, dẫn đến dự báo doanh số cùng cửa hàng tại Mỹ giảm 0,6% trong quý 4 và toàn cầu giảm 1%. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp McDonald’s ghi nhận doanh số giảm sút.

Không chỉ mất khách, cổ phiếu McDonald’s trong năm 2024 cũng chỉ tăng nhẹ 2%, nâng vốn hóa thị trường lên 211 tỷ USD – một con số không mấy ấn tượng so với kỳ vọng của giới đầu tư. Mặc dù lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, McDonald's vẫn nhấn mạnh những thế mạnh dài hạn của mình.

"McDonald's có di sản 70 năm về đổi mới, lãnh đạo và khả năng thích ứng đã được chứng minh, tất cả những điều này giúp chúng tôi tự tin vào khả năng vượt qua ngay cả những điều kiện thị trường khó khăn nhất và giành thêm thị phần," ông Kempczinski nói thêm.

Hiện nay, chuỗi đang cố gắng tích hợp mô hình “bếp công nghệ cao” (Digital Kitchen), xây dựng những chi nhánh gọn nhẹ nhưng có tốc độ tự động hóa cao, được tích hợp công nghệ nhằm hoàn thành món ăn nhanh nhất theo đơn hàng đặt qua các ứng dụng giao đồ ăn. Theo kiến trúc sư Steven Baker của Hiệp hội HFA chuyên xây dựng, thiết kế nhà hàng cho các hãng đồ ăn nhanh, ngày càng nhiều doanh nghiệp giờ đây từ bỏ các thiết kế hoành tráng, rộng rãi để tập trung cho việc phát triển những “bếp công nghệ cao”.

Với McDonald’s việc thu nhỏ các chi nhánh sẽ giúp những ông chủ nhượng quyền tiết kiệm được chi phí thuê bất động sản, thế nhưng điều này lại gây tổn hại đến tập đoàn bởi nguồn thu từ thuê đất đóng vai trò rất lớn trong tổng doanh thu. Chiến lược mở rộng thông qua đầu tư bất động sản và cho nhượng quyền thuê lại giờ đây cũng không còn khả dĩ khi thương mại điện tử và dịch vụ giao đồ ăn nhanh bùng nổ và tập đoàn cần tìm hướng đi mới.

Việc người dân không đến quán ăn như trước đang ảnh hưởng không chỉ mô hình kinh doanh, chi phí thuê bất động sản, thiết kế quán ăn mà ngay cả số lượng lao động cũng cần ít đi. Với lượng đơn hàng giao đồ ăn tăng nhanh và gấp gáp, các chuỗi đồ ăn nhanh sẽ cần tốc độ nấu nướng cao hơn, tự động hóa nhiều lên và cắt giảm nhân lực cho quét dọn.

Tờ The Vox cho biết đã có giai đoạn McDonald’s là địa điểm tổ chức sinh nhật lý tưởng cho những đứa trẻ khi các chi nhánh của họ bố trí cả khu vui chơi cho trẻ em, nơi những đứa bé có thể thỏa thích nô đùa với những món đồ ăn nhanh gọn nhẹ.

Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đang dần thay đổi, không phải vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà là thói quen người tiêu dùng đã khác, khi các thực khách càng ngày càng... lười. Các thành phố ngày càng ô nhiễm nên người tiêu dùng thích gọi đồ về ăn tại nhà, ở văn phòng, hơn là đến các quán ăn.

Băng Sơn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ga-khong-lo-am-thuc-gap-kho-vi-khach-hang-ngay-cang-luoi-ra-duong.htm