'Gã khổng lồ' Bosch có thể cắt giảm tới 10.000 việc làm tại Đức

Bosch, nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, đang đối mặt với tình hình khó khăn khi nhu cầu suy yếu, cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và quá trình chuyển đổi sang xe điện diễn ra chậm chạp.

Hãng có thể sẽ phải cắt giảm từ 8.000 việc làm đến 10.000 việc làm tại các nhà máy ở Đức, cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó.

Thông tin này được ông Frank Sell, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám sát Bosch, tiết lộ với Reuters. Các đại diện công nhân và công đoàn đang xây dựng kế hoạch hành động cho năm 2025, không loại trừ khả năng đình công.

CNN dẫn lời một phát ngôn viên của Bosch cho biết, công ty dự kiến sẽ cắt giảm 8.250 nhân viên trên toàn thế giới trong những năm tới, trong bối cảnh môi trường kinh tế khó khăn và quá trình chuyển đổi đang diễn ra trong ngành ô tô tạo ra những thách thức lớn đối với công ty nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung.

Chỉ vài tuần trước, Bosch đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 5.500 việc làm do nhu cầu ô tô suy yếu và công nghệ mới. Thị trường ô tô châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu yếu, chi phí sản xuất cao, sự cạnh tranh từ Trung Quốc và quá trình chuyển đổi sang xe điện chậm chạp.

Bosch hiện có khoảng 135.000 nhân viên ở Đức. Tuy vậy, công ty chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin này.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng đang liên tục công bố các biện pháp cắt giảm chi phí để vượt qua khó khăn. Chi phí sản xuất, đặc biệt ở Đức, vẫn ở mức cao, trong khi đó, sự cạnh tranh từ Trung Quốc làm giảm lợi nhuận vốn đã bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang xe điện chậm chạp.

Volkswagen cũng đang đối mặt với làn sóng đình công khi các công đoàn đấu tranh với ban lãnh đạo để tránh việc đóng cửa nhà máy, cắt giảm việc làm và lương.

Volkswagen và các nghiệp đoàn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết khủng hoảng tại các nhà máy ở Đức, mặc dù cuộc đàm phán hôm 9/12 được cả hai bên mô tả là "mang tính xây dựng". Ngoài ra, số lượng công nhân VW tham gia đình công trên toàn quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Sau thời gian thảo luận, ông Arne Meiswinkel, trưởng đoàn đàm phán của VW, nói: "Sau vòng đàm phán hôm nay, rõ ràng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để tìm kiếm một giải pháp".

Tuy nhiên, đại diện nghiệp đoàn Thorsten Groeger cho biết đây là lần đầu tiên các cuộc đàm phán diễn ra trong "bầu không khí xây dựng" và họ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán vào ngày 16/12. Trước đó, ông Groeger cảnh báo nếu cuộc đàm phán ngày 9/12 không có sự nhượng bộ, nghiệp đoàn sẽ không tiếp tục đàm phán trong năm nay và sẽ leo thang đình công lên mức chưa từng có trong năm 2025.

Mặc dù vậy, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng. Các nghiệp đoàn vẫn kiên quyết khẳng định họ sẽ không chấp nhận việc đóng cửa nhà máy, trong khi VW cho rằng không thể loại trừ khả năng này.

Hàng chục nghìn công nhân của VW đã ngừng làm việc tại 9 nhà máy đang bị cảnh báo là sẽ phải đóng cửa ở Đức, trong khi hàng ngàn công nhân khác tuần hành đến một quảng trường ở Wolfsburg, nơi đặt trụ sở chính của hãng sản xuất ô tô, để lắng nghe các lãnh đạo nghiệp đoàn phát biểu.

Cuộc đàm phán mới nhất diễn ra trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu này đang tìm cách cắt giảm mạnh chi phí tại Đức để cạnh tranh với các đối thủ châu Á giá rẻ đang xâm nhập thị trường nội địa.

Khủng hoảng của VW diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế tại Đức, cũng như sự hỗn loạn chung của ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo VW không nên đóng cửa nhà máy.

Theo nghiệp đoàn IG Metall, chỉ riêng tại Wolfsburg đã có khoảng 68.000 công nhân tham gia đình công 4 tiếng trong ca sáng và ca chiều, chưa kể ca tối và ca đêm. Quy mô đình công lần này đã vượt xa đợt đình công lớn nhất trước đó vào năm 2018, khi hơn 50.000 công nhân tại 6 nhà máy đình công cảnh cáo về vấn đề lương.

IG Metall cho biết chưa từng có cuộc đình công thực sự nào kéo dài 24 giờ hoặc hơn, ngoài các cuộc "đình công cảnh cáo" được thông báo trước và có thời gian giới hạn. Công nhân, những người phản đối việc cắt giảm lương hoặc đóng cửa nhà máy, có thể gia tăng áp lực lên VW bằng cách tổ chức đình công 24 giờ hoặc thậm chí đình công vô thời hạn.

Trong khi đó, VW khẳng định việc cắt giảm công suất và lương là cần thiết do nhu cầu ô tô tại châu Âu giảm sút, trong khi chi phí tại Đức khiến hãng khó cạnh tranh với các đối thủ mới.

Cổ phiếu của Volkswagen thuộc nhóm cổ phiếu hoạt động kém nhất trong số các nhà sản xuất ô tô châu Âu, giảm gần 25% trong năm nay.

Mặc dù tác động đầy đủ của các cuộc đình công chưa rõ ràng ngay lập tức, song nghiệp đoàn cho biết chỉ riêng tại nhà máy Wolfsburg đã có hàng trăm chiếc xe không được sản xuất do đợt đình công đầu tiên.

Minh Hằng (Theo Euronews)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ga-khong-lo-bosch-co-the-cat-giam-toi-10-000-viec-lam-tai-duc/356669.html