Gã khổng lồ dầu khí Exxon Mobil giờ ra sao?
Trong hàng thập kỷ, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil từng là một cỗ máy bách chiến bách thắng, thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ, tiêu tiền một cách thông minh và đặc biệt là tưởng thưởng cho các cổ đông vô cùng hào phóng.
Cách đây không lâu, vào năm 2013, Exxon (XOM) là công ty giá trị nhất hành tinh. Giá trị thị trường của Exxon đạt mức 446 tỷ USD vào giữa năm 2014, lần cuối cùng giá dầu thô giao dịch trên 100 USD/ thùng.
Nhưng giờ đây, Exxon chỉ còn là cái bóng của chính mình. Những quyết sách sai lầm trong quá khứ (như quyết định đánh cược vào khí tự nhiên, cũng như chậm chân trong cuộc chiến dầu đá phiến) đã khiến Exxon thua lỗ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ phát triển liên tục. Hệ quả là giá trị thị trường của tập đoàn này đã giảm xuống mức đáng kinh ngạc (267 tỷ USD) so với mức đỉnh.
Ánh hào quang vàng vọt
Một sự kiện gần đây đã "đánh gục" niềm tự hào của gã khổng lồ dầu khí Mỹ, chính thức bị loại khỏi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones, một vị trí mà họ đã giữ vững trong suốt hơn 92 năm liên tiếp.
Với những thay đổi lớn trong nền kinh tế hiện đại và thị trường chứng khoán, Exxon đang dần bị thay thế. Và Tập đoàn Chevron (CVX) hiện là công ty năng lượng duy nhất còn có mặt trong Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones.
Nhà phân tích năng lượng tại Công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Stewart Glickman cho biết: “Đây là một sự thay đổi mang tính biểu tượng. Nó cho thấy ngành năng lượng sẽ không còn giữ được ánh hào quang như trước nữa".
Theo dữ liệu của Bespoke Investment Group, vào năm 2008, lĩnh vực năng lượng chiếm tới 16% trong số các công ty thuộc danh sách S&P 500, khi đó giá dầu tăng vọt trên 140 USD/thùng. Hiện nay, ngành năng lượng chỉ chiếm 2,5% trong danh sách S&P 500. Sự thay đổi này phản ánh sự chuyển đổi của nền kinh tế Mỹ theo hướng “công nghệ hóa”. Và thực tế, rất nhiều “ông lớn” công nghệ như Amazon (AMZN), Apple (AAPL) và Zoom (ZM) đang phát triển mạnh mẽ trong cơn đại dịch Covid-19 này.
Trái ngược với xu hướng trên, các công ty dầu mỏ đã và đang bị đè bẹp do giá dầu và nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới giảm mạnh.
Kỷ lục bị phá vỡ?
Tuy vậy, xu hướng chung của ngành công nghiệp năng lượng không phải là yếu tố duy nhất khiến Exxon thua lỗ. Vấn đề cốt lõi nằm ở chính những vấn đề mà tập đoàn này đang gặp phải.
Khi chứng khoán Mỹ chạm đáy vào ngày 23/3, cổ phiếu Exxon giao dịch ở mức thấp nhất trong gần 18 năm. Mặc dù sau đó cổ phiếu Exxon đã phục hồi theo xu thế chung của thị trường, giá cổ phiếu của tập đoàn này vẫn giảm hơn 40% trong năm nay. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Chevron chỉ giảm 28%.
Điều này phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư vào khả năng kiếm tiền của Chevron trong giai đoạn hiện nay, cũng như kỳ vọng vào khoản cổ tức đáng mơ ước mà công ty này sẽ trả cho các cổ đông.
Jason Gammel, một nhà phân tích năng lượng tại công ty tài chính Jefferies cho biết: “Chevron đã nỗ lực làm ‘sạch’ bảng cân đối kế toán của mình. Exxon tự hào là một trong số ít công ty giữ vững kỷ lục tăng cổ tức trong 37 năm liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, kỷ lục đó hiện đang lâm nguy.
Nhà phân tích Glickman đến từ công ty nghiên cứu đầu tư CFRA cho biết: “Trong lịch sử, Exxon được cho là công ty hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực dầu khí. Trước đây, nhờ dòng tiền dồi dào, việc trả cổ tức đối với Exxon không phải là vấn đề. Nhưng giờ đây, việc đó đã trở thành một gánh nặng.”
Những quyết định sai lầm
Những mầm mống của cơn khủng hoảng tại Exxon đã được gieo từ nhiều năm trước. Vào năm 2009, Exxon đã chi đến 41 tỷ USD để mua công ty khí đốt tự nhiên XTO Energy. Thực tế đã chứng minh thỏa thuận này là một tính toán sai lầm bởi từ đó đến nay, giá khí đốt tự nhiên đã giảm mạnh và chưa hề có dấu hiệu phục hồi.
Exxon (và cả Chevron) ban đầu đều không thể tận dụng cơn bùng nổ dầu mỏ diễn ra ở sân sau của chính mình. Khi nhìn lại, Exxon chắc hẳn mong muốn thời gian quay ngược trở lại và ước mình đã mua đất ở lưu vực Permian, phía Tây Texas (trong thập kỷ vừa qua, lưu vực Permian là trung tâm của sự bùng nổ dầu mỏ ở Mỹ) thay vì chi mạnh tay cho các dự án khoan nước sâu đắt đỏ ở Nga và các dự án khai thác cát dầu ở Canada (cả hai dự án này đều không mang lại thành công như mong đợi).
“Exxon và Chevron là những kẻ đến sau”, Glickman nhận xét. Những sai lầm đó buộc Exxon phải cố gắng đuổi kịp các đối thủ. Vào thời điểm Phố Wall đòi hỏi các công ty dầu mỏ tiết chế chi tiêu, Exxon đang chi mạnh tay để gia tăng sản xuất ở lưu vực Permian và phát triển các dự án tiềm năng ở nước ngoài.
Tin tốt cho Exxon là một số thương vụ đầu tư nước ngoài của công ty này cuối cùng đã mang lại thành công. Những khoản đầu tư của Exxon tại quốc gia Nam Mỹ Guyana hiện đang được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn tăng trưởng chính cho công ty. Exxon ước tính có thể khai thác hơn 8 tỷ thùng dầu ở Guyana. Tuy vậy, họ sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể thu lợi nhuận từ số dầu này.
“Vấn đề đối với Exxon là các nhà đầu tư không định giá các công ty năng lượng dựa trên kết quả của năm 2023. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm công ty sẽ mang lại những gì vào năm 2021”, Glickman nói.
Thách thức mang tên “biến đổi khí hậu”
Tuy nhiên, ngay cả khi Guyana trở thành một món đầu tư hời, Exxon vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn mang tên khủng hoảng khí hậu. Exxon là công ty nổi tiếng nhất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào thời điểm các nhà đầu tư thích đặt cược vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió và Tesla (TSLA).
Trong khi các công ty dầu khí châu Âu như BP (BP) và Total (TOT) đã và đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặt ra các mục tiêu phát thải táo bạo, những nỗ lực của Exxon trong lĩnh vực này hiếm khi được nghe đến.
Tất nhiên, sẽ không có nhà phân tích nào dự đoán rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ biến mất chỉ sau một đêm. Nhưng xu thế phát triển năng lượng hiện nay cho thấy chỉ những công ty dầu hoạt động hiệu quả nhất mới có thể tiếp tục trường tồn. Và những dẫn chứng trong thập kỷ vừa qua đã cho thấy Exxon không phải là một ứng cử viên sáng giá.
Châu Khánh Tâm
(theo CNN)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ga-khong-lo-dau-khi-exxon-mobil-gio-ra-sao-122396.html