Ga Nha Trang và câu chuyện cánh rừng

Khi đưa tiễn một ai đó tới ga xe lửa Nha Trang, tôi vẫn thường vào tận trong sân ga. Chỉ khi chuyến tàu chuyển bánh hoặc bận công việc gì, tôi mới về. Với tôi, và chắc chắn với nhiều người dân Nha Trang và sinh sống ở Nha Trang, ga Nha Trang là một phần của cuộc sống, là buồn vui ở đó và chắc chắn là dày đặc biết bao kỷ niệm.

Khi đưa tiễn một ai đó tới ga xe lửa Nha Trang, tôi vẫn thường vào tận trong sân ga. Chỉ khi chuyến tàu chuyển bánh hoặc bận công việc gì, tôi mới về. Với tôi, và chắc chắn với nhiều người dân Nha Trang và sinh sống ở Nha Trang, ga Nha Trang là một phần của cuộc sống, là buồn vui ở đó và chắc chắn là dày đặc biết bao kỷ niệm.

Mặt tiền ga Nha Trang.

Mặt tiền ga Nha Trang.

Mà đã là kỷ niệm là người ta trân quý như một câu nói: "Kỷ niệm là ngọn hồng lạp cần giữ gìn cẩn trọng".

Vâng, ga Nha Trang đó được mệnh danh là nhà ga đẹp nhất Đông Dương được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã hơn 80 tuổi- cái tuổi của di tích, cái tuổi của một khu rừng đang tỏa bóng mát, của những hàng cây cổ thụ được trân quý giữ gìn. Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2-9- 1936. Kiến trúc từ ngày đó vẫn giữ nguyên vẹn, có khác chăng là vườn hoa bên kia đường nay là Công viên Võ Văn Ký, là nơi chứng kiến nhân dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp. Ngay tại mặt tiền phòng chờ, có tấm bảng ghi dấu chiến công của quân và dân mở đầu mặt trận Nha Trang suốt 101 ngày đêm (23-10-1945- 2-2-1946). Ở nhà ga này, chắc chắn không một người dân thành phố nào lại không từng ngồi đợi một cuộc đoàn viên, tiễn người đi xa hay chính mình bước lên con tàu dung dằng, rồi ngoái nhìn lại cho đến khi nhòa khuất bóng người. Và có thể, có nhiều phương tiện đi lại khác như ô-tô, máy bay, nhưng đi xe lửa là hoài niệm, là cảm giác không thể nào diễn tả được.

Ở ga Nha Trang đó, có lần hai vợ chồng tôi mua vé vào TPHCM, lên tàu ngồi chễm chệ, đến khi có người tới bảo ghế của họ, giở ra mới hay là vé của mình đi từ hôm trước, lại vội mua vé khác để đi. Là chiều cận Tết, con gái lớn còn lo con nhỏ, tiễn vợ ra ga đi Sài Gòn. Trong cái cận Tết ấy, nhà ga cứ như một nốt nhạc trầm khi người cứ nôn nao đợi con tàu sẽ đến. Ở ga Nha Trang đó, có cô bạn từ Hà Nội đi TPHCM, tàu dừng lại 30 phút, cô gọi điện, thế là vội chạy ra, cùng đứng nói chuyện phút giây.

Nhà ga Nha Trang không phải chỉ là kiến trúc, không phải chỉ là một bến đổ cho những xum họp và ly biệt. Nó còn là hồn cốt, là kỷ niệm, là một phần đời của những người nay đã già và kế tục cho bao lớp trẻ. Ở nơi đó, bao nhiêu cái nắm tay bịn rịn, cả những nụ hôn giã biệt và không thiếu những giọt nước mắt vui buồn, rơi xuống, tưởng đã bay đi, nhưng thực ra đã đọng lại trên thềm đất nhà ga, lắng đọng trong đó một điều gì rất linh thiêng. Và không chỉ là người khách qua đường, đôi khi bực bội vì thanh chắn barie ngay đường Lê Hồng Phong khu Mã Vòng, sẽ thấy những bàn tay vẫy hồn nhiên qua ô cửa kính của những người xa lạ với những người cũng lạ xa. Ga Nha Trang đó, từ sân ga nhìn thấy nhà thờ Chánh Tòa ẩn hiện trong nắng chiều, có khi nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân vang. Là đường ray ôm một vòng biện biệt, có mấy ngọn đèn đỏ bật lên báo hiệu trong đêm, là khi tàu sắp vào thành phố, cứ nhìn ra ô cửa bên ngoài mà đoán đã sắp tới sân ga chưa. Là quen cả mấy cô bán vé hỏi rất kỹ trước khi quyết định in vé, là nhường nhau chiếc ghế ngồi đợi cửa mở vào sân ga khi khách quá đông, quen cả màu vàng sơn tường, quen luôn hàng bán cà-phê hoặc bánh mì mua vội đợi chuyến rời xa.

Có những thứ người ta vội vàng đập bỏ, vì muốn một cái gì đó khác biệt. Có thể bởi những người muốn di dời những con tàu về nơi chốn khác bởi họ chưa từng lìa chia một yêu thương nào đó trên sân ga này, và nói không phải là quá đáng là họ chưa từng khóc, chưa từng nhỏ một giọt nước mắt nào trên sân ga này để trộn cùng cả triệu giọt nước mắt khác, đó gọi là điều rất thiêng liêng.

Và ở trên thềm ga ấy, bao dấu chân để lại, bao tiếng cười loang vỡ, bao mùa mưa vội che chiếc ô leo lên ly biệt, hay với đưa tay nắm, vậy thôi. Chắc chắn ga Nha Trang sẽ phải ở trong lòng phố như đã từng, và ở đó, những câu chuyện kể sẽ còn tiếp tục. Vì: "Các di tích xưa cũ dạy cho chúng ta biết những gì đã xảy ra, và biết tôn trọng sự tồn tại của những con người thời đại trước. Không chỉ vậy, từ một nét chạm trổ, một mảnh khảm sành, một đỉnh tháp chuông, tất cả đại diện cho một nền mỹ học đã từng tồn tại. Lịch sử không phải là một cánh rừng. Ta có thể xót thương khi thấy khu rừng bị thiêu rụi, nhưng ta biết rằng mấy mươi năm sau nó sẽ mọc lại. Còn một di tích lịch sử, một khi đã đập bỏ, nghĩa là nó vĩnh viễn mất đi".

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_220409_ga-nha-trang-va-cau-chuyen-canh-rung.aspx