Gác việc nhà, dồn lực cứu dân
Lào Cai vừa trải qua đợt thiên tai khốc liệt gây thiệt hại nặng nề nhất trong vòng gần 100 năm qua. Khi cơn lũ dữ sầm sập đổ về, nhiều nhà của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai đã bị chìm ngập trong nước. Nhà cửa, tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ, song cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai vẫn tạm gác việc nhà, dồn lực, chạy đua với thời gian để ứng cứu dân. Cho tới tận thời điểm này, có những cán bộ BĐBP Lào Cai vẫn thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, chưa thể nghỉ phép để về sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa của mình.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Yagi), từ đêm ngày 7 đến 11/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng. Đặc biệt, từ ngày 9-11/9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị ngập, lụt sâu trên diện rộng; đồng thời, xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở tại nhiều nơi, gây thiệt hại rất nghiêm trọng khiến 132 người chết, 19 người mất tích. Ước tính, thiệt hại về kinh tế do mưa lũ khoảng hơn 6.800 tỷ đồng. Hiện tại, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai, trong đó có BĐBP vẫn đang dồn lực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong thiên tai, hoạn nạn, mệnh lệnh cứu dân là trên hết, trước hết được thể hiện rõ trong từng nhịp thở của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai. Thiếu tá Đường A Liểu, Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Bát Xát nhớ lại: “Mấy ngày liên tiếp trên địa bàn đơn vị có mưa to. Ngày 8/9, nước từ các sông suối trên địa bàn đơn vị phụ trách bắt đầu dâng cao, nhiều nhà dân ở xã Quang Kim bị ngập nước, trong khi trời vẫn chưa ngớt mưa. Trước khả năng nước sông còn dâng cao nữa, nhiều khu vực vùng trũng, thấp sẽ bị ngập úng, chỉ huy đơn vị lệnh cho chúng tôi xuống địa bàn giúp người dân di chuyển đồ đạc, tài sản tới khu vực cao hơn. Đường đi ngập nước, chúng tôi phải lội nước khoảng 1,5km mới tới được nhà dân”.
Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, trước khi xuất quân, chỉ huy Đồn Biên phòng Bát Xát quán triệt rõ nhiệm vụ, cấp phát trang bị bảo hộ cho từng người, đồng thời, nhắc nhở những tình huống cần lưu ý. Nước mỗi lúc một dâng cao, chảy xiết, nguy hiểm rình rập, nhưng vượt trên hết tất cả, anh Liểu và đồng đội vẫn kiên cường tới giúp từng hộ dân, hết nhà này tới nhà khác di chuyển đồ đạc, người già, trẻ nhỏ tới nơi an toàn. Khi xong việc, về tới đơn vị đã là hơn 2 giờ sáng, anh Liểu và đồng đội chỉ kịp chợp mắt vài giờ rồi sáng hôm sau lại tiếp tục xuống địa bàn giúp dân.
“Trong điều kiện đêm tối, dòng nước chảy xiết, không thể nhận biết rõ chỗ nào ngập sâu, chúng tôi phải dò đường cẩn thận, dùng đèn pin soi vào từng nhà, gọi to xem có ai cần trợ giúp không. Chúng tôi lo sợ nhất là rắn rết có thể bò ra cắn mình. Bên cạnh đó, có những ngôi nhà gỗ cũ kỹ có thể bị nước lũ làm sập bất cứ lúc nào. Do đó, khi đến nhà dân, chúng tôi đều kiểm tra đường điện xem có rò rỉ không và quan sát, đánh giá mức độ nguy hiểm. Một cán bộ được phân công quan sát dòng nước, các hiện tượng lạ của mặt nước để đưa ra tín hiệu cảnh báo kịp thời” - anh Liểu kể lại.
Trong những ngày vật lộn với nước lũ trên địa bàn, anh Liểu không khỏi lo lắng cho gia đình nhưng vẫn nén lòng để hoàn thành nhiệm vụ giúp dân trước. Anh chia sẻ: “Nhìn cảnh bà con gánh chịu hậu quả của lũ dữ rất thương tâm, vì thế, dù có lúc mệt mỏi, kiệt sức, lo lắng cho gia đình, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau nỗ lực hết mình, giảm bớt được nỗi đau thương, mất mát của người dân chừng nào, chúng tôi thấy nhẹ lòng chừng đó”.
Gia đình anh Liểu ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, có 2 con nhỏ và mẹ già. Trong lúc anh giúp dân chạy lũ, thì chính ngôi nhà của anh cũng bị ngập nước. “Trước khi xuống bản giúp dân, tôi chỉ kịp gọi điện dặn vợ chuyển đồ đạc lên gác xép, chuẩn bị mì tôm, nước uống, nếu nước lên cao quá thì nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ. Lòng tôi nóng như lửa đốt nhưng phải lo giúp dân nên đến đêm về tới đơn vị, tôi gọi lại được cho vợ thì nước đã ngập tới ngang bụng rồi. May là chị gái tôi sau đó đã tới đón được vợ con tôi sang nhà” - anh Liểu kể.
Sau khi nước lũ trên địa bàn rút, đường thông, anh Liểu mới xin phép chỉ huy đơn vị về thăm nhà. Anh Liểu chia sẻ: “Trước mắt tôi là cảnh bùn lầy cao tới gần 1m. Các cửa kính của nhà đều bị vỡ, máy giặt, ti vi, tủ lạnh, điều hòa đều bị ngập nước, hư hỏng hết. Dù rất mệt, nhưng tôi vẫn gắng động viên vợ dọn vệ sinh nhà cửa, sửa chữa những thứ đồ còn dùng được để dùng”. Việc nhà tạm ổn, anh Liểu trở lại đơn vị ngay để tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đến tận hôm nay, Trung úy Phàn A Chiến, Đồn Biên phòng Trịnh Tường vẫn chưa thể về thăm gia đình dù ngôi nhà cấp 4, xây năm 2022 của anh bị đất đá sạt lở. Nhà anh Chiến ở thôn Nậm Chỏn, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Vợ chồng anh có một người con 3 tuổi. Do ảnh hưởng của mưa lũ, đường vào xã bị sạt lở, sập 2 cầu bê tông nên thôn Nậm Chỏn bị cô lập, chia cắt. “Khi đất sau nhà sạt xuống, vợ tôi rất lo lắng, gọi điện gửi một số hình ảnh nhà cho tôi. Lúc đó, tôi đang đi giúp dân phòng, chống mưa lũ, dù lo lắng vô cùng, nhưng tôi cũng không thể làm gì khác ngoài việc động viên vợ con chủ động di chuyển đến trường mầm non để ở tạm” - Trung úy Chiến kể.
Trong những ngày mưa lũ kinh hoàng vừa qua, Trung úy Chiến cùng với đồng đội túc trực thường xuyên ở những điểm ngập úng để hướng dẫn người dân di chuyển cũng như ứng cứu khi có sự cố. “Sáng 8/9, chúng tôi xuống khu vực bản Trung, xã Trịnh Tường để cảnh báo, không cho người dân qua lại cầu nối Bản Mặc và thôn Bản Trung. Sau hai ngày mưa to liên tục, nước suối dâng cao cuốn trôi một số nhà dân. Chúng tôi phải khẩn trương tới giúp người dân di dời tài sản lên khu vực cao hơn, sơ tán những hộ ở khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến ở tạm tại trường học” - anh cho biết.
Tranh thủ những khoảng nghỉ ngơi hiếm hoi giữa lúc cứu dân, Trung úy Chiến gọi điện cho vợ để hỏi thăm tình hình, nhưng đều không liên lạc được do hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng. Đường giao thông sạt lở, không có thông tin gì về gia đình khiến anh Chiến càng thêm sốt ruột. Dẫu vậy, nhiệm vụ cứu giúp dân vẫn là trên hết, người lính trẻ này cùng đồng đội tiếp tục sơ tán dân, lo tiếp tế hậu cần cho những hộ dân bị mất nhà cửa rồi dọn dẹp bùn đất trên địa bàn. Mãi tới khi thông đường, tiện chở quà vào cứu trợ cho một số hộ dân trong thôn Nậm Chỏn, Trung úy Chiến mới ghé về nhà trong chốc lát. Lúc này, đất sau nhà đã sạt từ bếp đến đầu phòng khách, lấp cao hơn 1,2m, nước mưa thấm qua tường tràn hết vào nhà ngấm vào tủ, bàn ghế, ti vi.
Trung úy Chiến cho hay: “Đơn vị đang duy trì trực 100% quân số để giúp bà con khắc phục hậu quả mưa lũ, nên tôi chỉ có thể động viên vợ khắc phục khó khăn, ở tạm bên nhà bố mẹ cho đến khi nào sửa được nhà. Vợ tôi rất hiểu và cảm thông cho tôi” .
Lời chia sẻ của Trung úy Chiến cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lính Biên phòng luôn xác định trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, ưu tiên cứu dân là trên hết. Điều đáng trân quý là hậu phương của người lính luôn lặng lẽ gánh vác việc nhà, làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gac-viec-nha-don-luc-cuu-dan-post481829.html