Game thủ săn túi Gucci ảo

Các vật phẩm từ những thương hiệu hàng đầu được người dùng săn đón với mức giá khá rẻ trong thế giới ảo.

"Metaverse đang trở nên thịnh hành", cây viết Asia Grace của NY Post nói. Thế giới ảo đang được đón nhận ngày một nhiều. Các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Balenciaga và Fendi đã tung ra nhiều bộ sưu tập quần áo kỹ thuật số để người dùng sử dụng cho avatar (hình đại diện).

Việc mua sắm đồ để làm đẹp cho avatar dễ dàng được 179,6 triệu người trong metaverse yêu thích. Họ không tốn quá nhiều chi phí để hình ảnh của mình trở nên ấn tượng.

Thể hiện bản thân

"Mua sắm và chơi game là hai thứ yêu thích của tôi. Cảm giác kết nối thật sự hơn khi được mua những món phụ kiện cao cấp cho nhân vật của mình", Leah Ashe, 28 tuổi, nhân vật có ảnh hưởng thời trang thực tế ảo, chia sẻ.

Thông qua trò chơi trực tuyến Roblox, cô ấy đã tạo ra nhân vật của mình với tên NotLeah. 4 chiếc ví Gucci, một xe Rolls-Royce màu hồng và hàng loạt căn biệt thự xa hoa màu hồng rực rỡ là những gì cô đã dành cho NotLeah.

 Những người trẻ như Ashe thích thú với metaverse khi nơi đây giúp họ thể hiện hình ảnh bản thân mong muốn. Ảnh: NY Post.

Những người trẻ như Ashe thích thú với metaverse khi nơi đây giúp họ thể hiện hình ảnh bản thân mong muốn. Ảnh: NY Post.

Game thủ này cho biết mỗi khi NotLeah có đồ mới, nhiều nhân vật ảo khác tỏ ra ghen tỵ. Và cảm giác đó làm cô thích thú. Ashe sinh ra trong gia đình nghèo khó. Thế giới ảo giúp cô tạo nên cuộc sống mình từng ước ao.

Trong trò Roblox, đơn vị tiền tệ gọi là robux. Người dùng có thể mua robux thông qua hình thức thanh toán trực tuyến. Tỷ giá khoảng 100 USD tiền thật sẽ bằng 10.000 USD robux.

Vừa qua, Ashe đã chi hơn 2.000 USD robux (khoảng 25 USD) cho một chiếc túi Gucci GG Marmont màu hồng sequin phiên bản giới hạn cho NotLeah. Sau đó, cô ấy đã bỏ 2.100 USD để mua một chiếc túi thật ngoài đời.

Gucci dành sự quan tâm cho Roblox khi đã giới thiệu một bộ sưu tập ảo tới game thủ trò chơi này. Các mặt hàng được săn đón nhiệt tình. Thậm chí, thống kê của hãng cho thấy số lượng tìm kiếm túi ảo còn nhiều hơn túi thật. Đặc biệt là chiếc Queen Bee Dionysus được bán với giá 350.000 robux hoặc hơn 4.000 USD.

 Những phụ kiện hàng hiệu trong metaverse được săn đón. Ảnh: Bloomberg.

Những phụ kiện hàng hiệu trong metaverse được săn đón. Ảnh: Bloomberg.

Giống Ashe, game thủ Lana Zylstra cho biết cô đã chi tổng cộng 10.000 robux chỉ cho các phụ kiện Gucci. Những món đồ cô mua gồm một chiếc ví hình quả bóng rổ, một chiếc túi đeo Dionysus và một chai nước hoa Gucci Bloom cho nhân vật Lanaraee của mình.

"Tôi nghĩ việc mua những món đồ này thực sự quan trọng vì nhân vật đại diện cũng phản ánh con người thật, cũng như cách chúng ta muốn được nhìn nhận trong metaverse. Nghe có vẻ điên rồ nhưng thời trang trong thế giới ảo cũng quan trọng như thế giới thực", cô nói.

Tương lai rộng mở

Hiện nay, các thương hiệu xa xỉ chú ý nhiều hơn đến người dùng trẻ tuổi - những người đang dành nhiều thời gian trong không gian kỹ thuật số. Đây là nhóm khách hàng thực sự tiềm năng. Khảo sát từ Statista vào tháng 12/2021 cho thấy hơn 74% người trưởng thành ở Mỹ đang hoặc sẽ cân nhắc xây dựng cuộc sống trong metaverse.

CMO Robert Triefus của Gucci cũng nhận xét thế giới ảo đang tạo ra nền kinh tế riêng. Các mặt hàng đều có giá trị vì chúng cũng tồn tại yếu tố khan hiếm và bán lại được.

Ngoài ra, thế giới ảo đem đến một sự bình đẳng hơn trong lĩnh vực thời trang cao cấp. Và điều đó khiến nhiều người dùng hứng thú.

"Thời trang kỹ thuật số là nơi dành cho những nhà thiết kế và game thủ. Quần áo phù hợp với mọi kích cỡ và trông đẹp mắt. Ngoài ra, các nhãn hàng cũng đưa ra mức giá phải chăng cho mọi người", Daria Shapovalova, đồng sáng lập của thị trường thời trang metaverse DressX, chia sẻ.

 Tiềm năng phát triển của thời trang trong metaverse là rất lớn dù hiện tại các thương hiệu chủ yếu vẫn dùng nó để tiếp thị. Trong ảnh, cặp đôi người Ấn Độ tổ chức đám cưới đầu tiên ở metaverse. Ảnh: NY Post.

Tiềm năng phát triển của thời trang trong metaverse là rất lớn dù hiện tại các thương hiệu chủ yếu vẫn dùng nó để tiếp thị. Trong ảnh, cặp đôi người Ấn Độ tổ chức đám cưới đầu tiên ở metaverse. Ảnh: NY Post.

Với DressX, người dùng có thể mua những trang phục từ các nhà mốt nổi tiếng như Fendi, Balenciaga cho tới những hãng nhỏ hơn. Ngoài việc mặc trên mạng xã hội, người dùng còn có thể sử dụng trang phục trong các buổi gọi Zoom. Mức giá trải khá dài, từ 5 USD cho tới cả nghìn USD như phiên bản ảo bộ đồ Mary J. Blige mặc tại Super Bowl Halftime Show năm nay (giá 8.400 USD).

Shapovalova cho biết: "Ở giai đoạn này, hầu hết nhà thiết kế vẫn sử dụng trang phục ảo như công cụ tiếp thị thay vì nguồn doanh thu chính. Họ đang thu hút làn sóng người tiêu dùng metaverse mới này".

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/game-thu-san-tui-gucci-ao-post1298552.html