Gameshow làm sống dậy hình ảnh miền quê Việt

Những chương trình gameshow (trò chơi truyền hình) làm sống dậy hình ảnh nông thôn Việt một cách gần gũi, sinh động.

Các nghệ sĩ trong chương trình 'Gia đình Haha' trải nghiệm cuộc sống như người nông dân thực thụ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Các nghệ sĩ trong chương trình 'Gia đình Haha' trải nghiệm cuộc sống như người nông dân thực thụ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Những chương trình gameshow (trò chơi truyền hình) như “2 ngày 1 đêm”, “Gia đình Haha” khiến khán giả thích thú khi chứng kiến nghệ sĩ nổi tiếng bắt gà, cấy lúa, ngủ nhà sàn..., làm sống dậy hình ảnh nông thôn Việt một cách gần gũi, sinh động.

Đằng sau tiếng cười ấy là một cánh cửa rộng mở cho một hướng đi tiềm năng - du lịch nông nghiệp.

Làm mới góc nhìn về nông nghiệp

Trước đây, khi nhắc đến du lịch nông nghiệp, nhiều người thường hình dung về những chuyến đi có phần “nhàm chán”, chỉ đơn thuần là về quê, thăm vườn cây, ao cá. Khái niệm này dường như xa vời và thiếu sức hấp dẫn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các nghệ sĩ và trải nghiệm thực tế trong không gian nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.

Trong chương trình thực tế “Gia đình Haha”, các nghệ sĩ đã “rũ bỏ” hình tượng quen thuộc, trở thành những người nông dân thực thụ, sinh sống và lao động cùng người dân địa phương tại các địa danh quen thuộc khắp Việt Nam.

Tại mỗi chặng, các thành viên của chương trình sẽ lưu trú trong 7 ngày 6 đêm tại nhà của người dân bản địa, tự tay chăm sóc vườn tược, vật nuôi, tham gia các công việc truyền thống như trồng trọt, thu hoạch, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, làm việc tại làng nghề, để đổi lấy nguyên liệu, lương thực… cho cuộc sống hằng ngày.

Mục tiêu lớn hơn của chương trình ngoài những phút giây giải trí, “chữa lành” là mong muốn được góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua việc khắc họa vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, làng nghề truyền thống, tập quán và nông sản của từng vùng miền, đặc biệt là những vùng đất còn giữ nét đơn sơ, mộc mạc. Qua đó, không chỉ giới thiệu các giá trị văn hóa độc đáo mà còn góp phần giới thiệu những điểm đến tiềm năng, lan tỏa sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Hiệu ứng của chương trình, hoạt động này không chỉ dừng lại ở những con số đặt phòng tăng vọt hay lượt tìm kiếm địa danh bùng nổ, mà còn lan tỏa trong cảm xúc và suy nghĩ của chính khán giả, những người đang nhìn nông thôn bằng con mắt hoàn toàn mới mẻ.

Kích cầu du lịch

Theo số liệu từ Meta (năm 2024), 41% người dùng mạng xã hội bị ảnh hưởng bởi các nội dung gợi ý từ người nổi tiếng và KOLs. Điều này cho thấy sức lan tỏa của những chương trình có sự góp mặt của nghệ sĩ là rất lớn. Không ít khán giả, đặc biệt là giới trẻ, bày tỏ sự thích thú, muốn “xách ba lô lên và đi” ngay sau khi xem một tập phát sóng.

Với anh Trần Văn Hữu (33 tuổi, giáo viên THPT tại Hà Nội), chương trình thậm chí còn khơi gợi mong muốn đưa học sinh của anh đến trải nghiệm thực tế.

“Tôi thấy học sinh thành phố bây giờ không biết cây lúa, con ốc như thế nào. Một chương trình như thế này nếu chiếu ở trường học hoặc kết hợp với chuyến đi ngoại khóa sẽ rất bổ ích. Các em sẽ hiểu hơn về nguồn gốc bữa cơm hàng ngày, và trân trọng hơn lao động của người nông dân”, anh Trần Văn Hữu nhìn nhận.

Trao đổi với GD&TĐ, bà Bùi Thị Lan Hương, tiến sĩ du lịch nông nghiệp, nông thôn, cho biết: “Du lịch nông nghiệp là việc du khách đi đến các không gian sản xuất nông nghiệp, thường là ở vùng nông thôn để thỏa mãn nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi, tìm hiểu, học tập, khám phá và một số nhu cầu riêng biệt khác…”.

Bà Hương cũng nhấn mạnh, điểm mấu chốt trong định nghĩa này là “thỏa mãn nhu cầu” của du khách, và các chương trình thực tế đã khai thác xuất sắc nhu cầu này bằng cách biến những hoạt động đời thường thành trải nghiệm giải trí độc đáo.

TS Lan Hương nhận định, việc quảng bá là yếu tố sống còn của kinh doanh du lịch nông nghiệp. Khách du lịch nông nghiệp thường là khách có sở thích trải nghiệm đích thực, khách tự truy cập là chủ yếu. Do đó, việc quảng bá điểm du lịch nông nghiệp là một trong những yếu tố sống còn của kinh doanh du lịch nông nghiệp.

Sức mạnh này không phải là lý thuyết suông. Thực tế đã chứng minh, sau khi một địa điểm xuất hiện trên một chương trình ăn khách, lượng tìm kiếm và quan tâm về địa điểm đó tăng vọt.

Một homestay nhỏ ở Hà Giang (nay là Tuyên Quang), một vườn mận ở Mộc Châu, hay một làng nghề truyền thống ở Hội An bỗng chốc trở thành “hot trend” chỉ sau một tập phát sóng.

Hay nhờ hiệu ứng của “Gia đình Haha”, từ giữa tháng 6 các homestay Bản Liền, Lào Cai (trước sáp nhập) đang được nhiều bạn trẻ săn tìm thông tin và muốn đặt phòng để du lịch ngay mùa Hè này.

Chị Thông, chủ nhà trong “Gia đình Haha” chia sẻ: “Sau chương trình phát sóng, các kênh liên lạc của homestay nhận được hàng loạt tin nhắn liên hệ đặt phòng, tìm kiếm thông tin về homestay và Bản Liền.

Nhà đã nhận kín khách tới hết tháng 7 (chỉ dành 1-2 ngày nghỉ để dọn dẹp phòng) và còn một số ngày trống trong tháng 8, 9. Nhờ chương trình mà mọi người biết tới mình nhiều hơn, mình cũng có niềm tin, tự tin hơn để làm du lịch trên tinh thần bền vững”, chủ homestay chia sẻ.

Sức mạnh này đến từ sự kết hợp của tính xác thực, sự đồng cảm, khả năng tạo xu hướng và sự lan tỏa đa nền tảng của người nổi tiếng. Để tận dụng hiệu ứng này, không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ.

“Việc kết nối giới trẻ, đặc biệt là người thành thị với giới nghệ sĩ và các chương trình thực tế... là hết sức quan trọng, mà người kinh doanh du lịch tại điểm đến, nhà lữ hành, nhà quản lý điểm đến, nhà hoạch định chính sách, nhà quản trị địa phương đều phải lưu tâm và có sự đầu tư đúng mức”, TS Bùi Thị Lan Hương nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược đồng bộ.

Gameshow thực tế không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn làm sống dậy hình ảnh nông thôn với sức hấp dẫn mới. Từ truyền hình đến thực tế, truyền thông đại chúng đang đóng vai trò là cầu nối mạnh mẽ giữa công chúng và miền quê Việt Nam - nơi không chỉ có bùn đất, mà còn có cả tiềm năng phát triển du lịch xanh, văn hóa, bền vững.

Nhật Hạ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gameshow-lam-song-day-hinh-anh-mien-que-viet-post740862.html