Gần 1,7 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản sau 4 tháng
Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần (tính đến ngày 20/4) đã đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 6 tỷ USD, chiếm hơn 72% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đứng thứ 2 là hoạt động kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký đạt gần 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đăng ký cùng giai đoạn.
So với 4 tháng đầu năm 2023 (đạt 451 triệu USD), vốn ngoại đổ vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đã tăng gần 4 lần. Ngoài ra, các ngành còn lại thu hút vốn FDI đạt hơn 635 triệu USD, chiếm gần 8%.
Đáng chú ý, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất kỳ 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm gần 10%.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng qua, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 36% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Bên cạnh đó, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 898 triệu USD, tương đương gần 13% tổng vốn; Nhật Bản rót 814 triệu USD, chiếm hơn 11%; Trung Quốc rót 740 triệu USD, chiếm hơn 10%; Thổ Nhĩ Kỳ rót 730 triệu USD, chiếm 10%; Đài Loan (Trung Quốc) rót 512 triệu USD, chiếm 7%...
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo bà, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Vị chuyên gia tại Cushman & Wakefield cho rằng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp ngoại tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.
"Một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực", bà Trang dự báo.