Gần 10.000 giáo viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học
Trong 3 ngày từ 17-19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học cho gần 10.000 giáo viên cả nước, cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, chuyên viên, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các Sở GDĐT: Sơn La, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lai Châu, Điện Biên…
Tại Hội nghị tập huấn, các cán bộ, giáo viên sẽ được các chuyên gia hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xã hội trường học.
Qua đợt tập huấn, cán bộ, giáo viên sẽ có thêm những kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội để vận dụng vào môi trường thực tế của địa phương, nâng cao nhận thức về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trường học nói riêng, góp phần tích cực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xây dựng trường học tân thiện, an toàn và hạnh phúc, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho rằng, trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em như bạo lực, xâm hại, bắt nạt, nghiện games, nghiện ma túy, sức khỏe tâm thần, bỏ học, khuyết tật, nghèo đói, thiếu kỹ năng sống, giá trị sống...
Ông Đạt cho hay, do tính chất đan xen, đa dạng, nhiều chiều và phức tạp của các vấn đề này cho nên đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, can thiệp đồng bộ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động, dịch vụ khác nhau, trong đó có hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học.
Trên thực tế công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học có sự giao thoa và hỗ trợ lẫn nhau. Trong giai đoạn 2015-2022, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản cũng như thực hiện triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, thực hiện chính sách về tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn có những hạn chế nhất định như công tác chỉ đạo, thực hiện, triển khai tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; chính sách, chế độ đối với đội ngũ thực hiện; có nhiều hạn chế, vướng mắc về nguồn lực đầu tư, thực hiện.
Vì vậy, theo Vụ trưởng, Hội nghị đóng vai trò quan trọng và cần thiết nhằm trao đổi kết quả việc thực hiện, triển khai thời gian qua. Thông qua thảo luận, các bên đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trường học; đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp việc thí điểm, nhân rộng mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học trong hỗ trợ, bảo vệ học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF cho rằng, đây là cơ hội tốt để thảo luận về các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa hiệu quả công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Đồng thời đây cũng là dịp cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ, cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục hiện nay.
Bà Loan cho biết, trong những năm qua UNICEF luôn đồng hành và mong muốn tiếp tục được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Bộ GDĐT trong việc triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường nhằm bảo vệ trẻ em tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Sở GDĐT, các đơn vị, tổ chức và giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong nhà trường ở các địa phương đã có những trao đổi, nêu ý kiến đề xuất liên quan đến công tác tổ chức, triển khai công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học; nguồn lực; chế độ chính sách, vị trí việc làm cho đội ngũ thực hiện; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn tại các cơ sở giáo dục; thực hiện các chương trình, đề án…