Gần 100 xác lợn trôi trên kênh, cơ quan chức năng Thanh Hóa vào cuộc
Chỉ trong 9 ngày đầu tháng 7, gần 100 xác lợn được vớt lên từ kênh Chính, kênh Bắc, kênh Nam thuộc hệ thống kênh thủy lợi Bái Thượng. Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã yêu cầu ngành chức năng phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý tình trạng này.
Chỉ trong 9 ngày vớt gần 100 xác lợn trên các kênh
Trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng xác chết động vật bị vứt ra môi trường, đặc biệt là trên các kênh, mương... làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân.
Qua thống kê của Công ty TNHH MTV Sông Chu từ ngày 3 đến 11/7, số lợn chết vớt được trên kênh Chính, kênh Bắc, kênh Nam thuộc hệ thống kênh Bái Thượng là 94 con.
Sáng 13/7, trao đổi nhanh với PV Tiền Phong, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa Thanh Hóa cho biết, sau khi kiểm tra thực tế thực trạng xác động vật, rác thải xuất hiện nhiều trên hệ thống kênh Bắc đoạn qua xã Thiệu Toán, Thiệu Trung và phường Đông Quang... (Thanh Hóa), đơn vị đã yêu cầu lực lượng chuyên môn của ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân biết đây là kênh lưỡng dụng, phục vụ sản xuất và cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Đồng thời, vận động người chăn nuôi khi phát hiện có động vật ốm, chết phải báo cáo chính quyền để tiêu hủy và xử lý kịp thời, tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra sông, hồ chứa, kênh, mương, ruộng... làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tuyên truyền để người dân hiểu rõ hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung rà soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu phi.

Công nhân Công ty TNHH MTV Sông Chu vớt rác thải và xác lợn trên kênh
Ngoài ra, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp vứt xác chết động vật ra ngoài môi trường, đặc biệt là trên các sông, hồ chứa, kênh, mương... thuộc địa bàn quản lý; tổ chức lực lượng để thu gom, vớt xác động vật và thực hiện tiêu hủy đúng theo quy định về thú y, quy định về bảo vệ môi trường.
Tăng cường kiểm tra – phối hợp xử lý với công an
"Đơn vị chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan công an tăng cường công tác quản lý, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vứt xác chết động vật ra môi trường theo quy định", ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin.
Trước đó, báo Tiền Phong đã thông tin, hàng chục xác lợn chết trôi nổi, bốc mùi hôi thối đã được phát hiện trên hệ thống kênh Bắc đoạn qua xã Thiệu Toán, Thiệu Trung và phường Đông Quang (Thanh Hóa), gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường, đặc biệt là gia súc, gia cầm mắc bệnh, có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng (Điểm a Khoản 6 Điều 5). Việc vứt xác động vật chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường có thể làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tù theo quy định tại Điều 241, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
Số ca mắc liên cầu lợn gia tăng, Huế siết chặt giám sát lò mổ
Theo Sở Y tế TP Huế, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 31 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các ca bệnh rải rác tại nhiều phường như Thuận Hóa, Kim Long, Phú Xuân, Hương An, Dương Nỗ...
Tất cả đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều bệnh nhân đã xuất viện. Tuy nhiên, yếu tố dịch tễ của các trường hợp này chưa rõ ràng, cơ quan chức năng hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm cụ thể.

Lực lượng y tế TP Huế phun tiêu độc, khử trùng tại khu vực có người mắc liên cầu khuẩn lợn
Ngành y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Huế, chính quyền các địa phương có ca bệnh triển khai các biện pháp phòng chống, khoanh vùng nguy cơ, giám sát chặt tình hình dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, cho biết, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành, địa phương nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
“Hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ điều kiện khám và điều trị, tình hình dịch bệnh được khống chế tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan cũng như không để xảy ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng”, ông Bình thông tin.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế cũng đề nghị các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường sống để góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Trọng tâm công tác phòng chống dịch hiện nay là kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&MT TP Huế) cho biết, hiện trên địa bàn có 28 cơ sở giết mổ hoạt động.
Trong đợt kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng phát hiện tại lò mổ phường Thanh Thủy có 2 con lợn có biểu hiện bất thường như chấm đỏ ở chân, đầu, nội tạng có dấu hiệu bệnh lý. Toàn bộ số lợn kể trên đã được tiêu hủy theo quy định.

Tiêu hủy sản phẩm từ giết mổ lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Ông Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Huế, cho hay, dù chưa ghi nhận dịch lợn tai xanh, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cho lợn đạt trên 88%, nhưng để chủ động phòng dịch, Sở đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ, kịp thời xử lý vi phạm.
Sở NN&MT TP Huế cũng chỉ đạo các xã, phường phối hợp với lực lượng thú y cơ sở thống kê tổng đàn lợn, xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể và triển khai đợt tiêm vaccine vụ Thu. Các trạm thú y khu vực tăng cường kiểm tra lâm sàng, kiểm soát chặt chẽ quy trình giết mổ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không mua bán, tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc, nhằm phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn.