Gần 13.000 người sẽ tham dự Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023
Sáng 9-8, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì buổi họp báo về Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023 để cung cấp thông tin cũng như lắng nghe những ý kiến quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, con người, di tích và du lịch của Bình Phước.
Dự buổi họp báo có: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang; Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh cùng đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Theo thông tin tại buổi họp báo, Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023, tổ chức trong 1 buổi vào ngày 11-8-2023, trực tiếp tại Hội trường lầu 8, Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh, trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh, có hơn 12.700 đại biểu, cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia trực tuyến và trực tiếp. Tại hội nghị văn hóa năm 2023 sẽ tổng quan lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước từ năm 1997 đến năm 2023; đồng thời tiếp nhận và lắng nghe 35 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan cấp tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa và con người Bình Phước. Đây là hội nghị lần đầu tiên, quy mô lớn, mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực
Các chuyên gia, nhà khoa học dự và tham luận tại hội nghị như:GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương; PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương;…
Với vai trò, nhiệm vụ và mục đích của hội nghị văn hóa lần này đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại buổi họp báo đã có 8 lượt ý kiến của đại diện cơ quan báo chí gửi đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đến các vấn đề như: Đặc trưng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh biên giới, Bình Phước đã và đang làm gì để tạo sự đặc trưng riêng về văn hóa, con người nhằm tạo dấu ấn với du khách khi đến Bình Phước. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối cung đường, điểm đến, dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch kèm theo cũng như việc ưu tiên nguồn kinh phí để tu bổ, bảo tồn và phát huy các giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh cũng được các phóng viên, nhà báo quan tâm.
Những vấn đề này đã được đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin đầy đủ, thỏa đáng.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cũng đã thông tin thêm tại hội nghị một số nội dung: Ngày 25-11-2022, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án hội tụ nhiều quan điểm phát triển du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến Bình Phước để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Qua đó chú trọng làm nổi bật các đặc trưng văn hóa con người Bình Phước thông qua phát triển du lịch bằng hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, hướng đến xây dựng và phát triển các đặc trưng, thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao vị thế về các lĩnh vực quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phát triển ngành du lịch tỉnh. Tỉnh luôn quan tâm đến phát triển văn hóa Bình Phước trong đó có phát triển du lịch. Thông qua kết quả của hội nghị này, tỉnh sẽ xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước thời gian tới bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.