Gần 2 tuần, TP Huế ghi nhận có 12 ca mắc liên cầu lợn: Những điểm lạ quanh khu vực sinh sống của bệnh nhân
Tại khu vực nhà bệnh nhân C. không có hoạt động chăn nuôi lợn, không ghi nhận dịch bệnh trên đàn lợn xung quanh.

Thông tin trên Tuổi trẻ, ông Trần Kiêm Hảo, giám đốc Sở Y tế TP Huế, cho biết trong vòng hơn nửa tháng qua ở Huế ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong số đó có 1 người tử vong.
12 ca này phân bố ở phường Thuận Hóa 4 ca, phường Dương Nỗ 2 ca, phường An Cựu 1 ca, phường Thuận An 1 ca, phường Thủy Xuân 1 ca, phường Kim Long 1 ca, phường Phú Xuân 1 ca, và phường Hương An 1 ca.
Bệnh nhân ở phường Thuận Hóa đã qua đời ở một bệnh viện hôm 2-7.
Báo Tiền phong cho hay, vào tối 1/7, anh C. xuất hiện triệu chứng sốt, đến sáng hôm sau được đưa đi cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, sau đó tử vong vào chiều cùng ngày. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với Streptococcus Suis (liên cầu khuẩn lợn).
Qua điều tra dịch tễ, tại khu vực nhà bệnh nhân C. không có hoạt động chăn nuôi lợn, không ghi nhận dịch bệnh trên đàn lợn xung quanh. Những người tiếp xúc gần cũng chưa phát hiện triệu chứng nghi ngờ. Cán bộ thú y phường Thuận Hóa cho biết, địa phương hiện không có ổ dịch lợn tai xanh. Khu vực nhà bệnh nhân chưa thể tiến hành xử lý môi trường do diễn ra tang lễ anh C.
Ngoài ca tử vong kể trên, có 11 bệnh nhân thuộc nhiều địa phương khác nhau ở TP Huế như phường Kim Long, Phú Xuân, Hương An, An Cựu, Thuận An, Thủy Xuân, Dương Nỗ và Thuận Hóa cũng đã được xác định dương tính với Streptococcus suis kể từ ngày 26/6.
Hiện các bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Lực lượng y tế dự phòng đã tiến hành phun tẩy độc, xử lý môi trường bằng dung dịch Cloramin B tại khu vực nhà ở của các bệnh nhân.
Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu nhận biết bệnh, các biện pháp phòng tránh và hướng dẫn điều trị kịp thời. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế củng cố các đội phản ứng nhanh, cơ động, trang bị thuốc, hóa chất để ứng phó với dịch bệnh và thực hiện chế độ trực báo cáo thường xuyên.