Mổ cấp cứu bắt thai cho người phụ nữ 22 tuổi nặng 120kg
Trên bàn mổ cấp cứu, người phụ nữ trẻ 120kg sinh con gái nặng 4,4kg, khóc to, hồng hào, khỏe mạnh.
Thai phụ 22 tuổi, vốn béo phì, cao khoảng 1,65m, có dấu hiệu chuyển dạ khi thai 38 tuần 4 ngày. Lên bàn đẻ, cân nặng của chị đạt 120kg.
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp mổ, cho biết những trường hợp này thường có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con.
Thai phụ béo phì cần theo dõi nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật. Trong quá trình mổ, việc lấy ven tĩnh mạch và gây tê tủy sống rất khó khăn.
"Bác sĩ gây mê, gây tê phải 'tiêm ngập kim' mới đến được ống tủy sống để bơm thuốc vào. Quá trình mổ, do thành bụng dày, nhiều mỡ, khó khăn trong việc lấy thai", bác sĩ Đạo cho biết.
Điều may mắn là thai phụ không gặp tình trạng tiểu đường thai kỳ. Con chào đời nặng 4,4kg, thuộc nhóm con to.

Sản phụ lên bàn mổ đẻ có cân nặng tới 120kg. Ảnh cắt từ clip
Sản phụ được theo dõi chặt chẽ tình trạng co hồi tử cung hay nguy cơ băng huyết do con to thường khiến tử cung mẹ co hồi kém. Đồng thời, cần theo dõi tình trạng vết mổ do mỡ mẹ dày, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao.
Với trẻ, sau sinh cần được theo dõi sát tình trạng đường huyết sơ sinh.
Đây là một trong những sản phụ nặng cân nhất bác sĩ Đạo từng mổ đẻ. Điều may mắn, sản phụ mổ đẻ lần đầu. Nhiều trường hợp mẹ tăng nhiều cân, cân nặng khi lên bàn mổ vượt 100kg, dính vết mổ sau nhiều lần mổ đẻ.
Thầy thuốc khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ đầy đủ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thai to có thể tiềm ẩn nguy cơ trong quá trình chuyển dạ như: đẻ khó, vết mổ lớn, tổn thương cho bé hoặc mẹ... vì vậy cần được theo dõi và chỉ định sinh phù hợp từ cơ sở y tế có chuyên môn. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học và kiểm soát cân nặng khi mang thai sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.