Gần 200 hộ nông dân, hợp tác xã huyện Thường Tín tham gia diễn đàn nhịp cầu nhà nông

Ngày 7-9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho gần 200 hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, mặc dù tỷ trọng ngành Nông nghiệp của huyện chỉ chiếm 4,6% tổng giá trị sản xuất nhưng huyện luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên, cần chú trọng, quan tâm đầu tư.

Hằng năm, huyện đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng khuyến khích sản xuất, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nông dân về đào tạo nghề, vốn, giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình khảo nghiệm giống cây trồng mới, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Sản xuất lúa đạt trên 7.600ha (ở các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Văn Tự, Nguyễn Trãi...); diện tích rau màu các loại đạt hơn 2.100ha (ở các xã: Hà Hồi, Thư Phú, Vân Tảo, Quất Động, Dũng Tiến, Tân Minh, Văn Phú); diện tích cây ăn quả tập trung 470ha (ở các xã: Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến); diện tích nuôi trồng thủy sản 954,75ha (ở các xã: Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến...).

Huyện Thường Tín hình thành vùng rau an toàn tập trung.

Huyện Thường Tín hình thành vùng rau an toàn tập trung.

Do đó, nhịp cầu nhà nông đã và đang là cầu nối đưa khoa học, kiến thức thị trường đến gần với bà con, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý cập nhật những vấn đề thời sự trong phát triển nông nghiệp cũng như đời sống sản xuất của nông dân.

Tại diễn đàn, các hộ nông dân, hợp tác tác xã được nghe các nhà khoa học trao đổi thông tin, kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp; giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải; trang bị cho nông dân thêm kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; thông tin về những giải pháp để nông dân chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gan-200-ho-nong-dan-hop-tac-xa-huyen-thuong-tin-tham-gia-dien-dan-nhip-cau-nha-nong-640221.html