Gần 217.000 người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu, Mỹ chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm

Thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19, gần 217.000 người chết, trong đó Mỹ báo cáo hơn 1 triệu người mắc virus SARS-CoV2.

Theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 29/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới vượt ngưỡng 3,1 triệu và 216.808 ca tử vong.

Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 1.011.600 ca nhiễm, trong đó 58.343 người đã tử vong, tăng lần lượt 26.226 và 2.391 ca. Đến nay, Mỹ đã thực hiện gần 5,8 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, song giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.

Một số bang như Alaska, Georgia, Oklahoma đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan, trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào bế tắc.

 Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19.

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19.

Số người nhập viện trong một ngày tại bang New York của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm tại tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ.

Số người nhập viện vì nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại New York đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24/3.

Tây Ban Nha báo cáo số người chết do nhiễm bệnh Covid-19 tăng lên 232.128 sau khi ghi nhận thêm 2.706 trường hợp. Ca nhiễm tăng thêm 301 trường hợp lên 23.822.

Chính phủ Tây Ban Nha nhận định Cập nhật Covid-19 ngày 29/4: Gần 217.000 ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu, Mỹ chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm ở nước này đã đạt đỉnh ngày 2/4. Đất nước với gần 47 triệu dân đã trải qua hơn 6 tuần phong tỏa, trong đó chỉ người lớn được rời nhà để mua thức ăn, thực phẩm hoặc đưa thú cưng đi dạo.

Từ ngày 26/4, tối đa 3 trẻ em dưới 14 tuổi trong mỗi hộ gia đình Tây Ban Nha sẽ được ra ngoài một lần mỗi ngày trong vòng một giờ trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h. Các em được vui chơi ngoài trời dưới sự giám sát của một phụ huynh và không đi cách nhà quá một km. Bên cạnh đó, tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới.

Italia ghi nhận thêm 2.091 ca nhiễm, tăng so với 1.739 ca một ngày trước đó, và 382 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 201.505 và 27.359, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.

 Italia áp lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 từ ngày 9/3.

Italia áp lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 từ ngày 9/3.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phát biểu với báo giới trong chuyến thăm vùng Lombardy, tâm dịch phía Bắc, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm trở lại hay bùng phát các ổ dịch là rất rõ ràng, do đó, Italia sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng nhưng thận trọng.

Theo kế hoạch, nước này sẽ triển khai khai giai đoạn 2 từ ngày 4/5, Thủ tướng Conte cho rằng hơn 4,5 triệu người dân sẽ quay trở lại làm việc và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm, đó là lý do các trường học vẫn phải đóng cửa.

Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 2.638 ca nhiễm và 367 ca tử vong, tăng so với một ngày trước, nâng tổng số lên lần lượt 165.911 và 23.660.

Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.

Anh phát hiện thêm 3.996 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên 161.145. Nước này ghi nhận 21.678 ca tử vong, tăng 586 trường hợp, tăng nhẹ so với một ngày trước đó. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 26/4 lần đầu xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông thông báo mắc virus SARS-CoV-2 hôm 27/3 và phải nhập viện điều trị 10 ngày sau đó. Thủ tướng Johnson khẳng định nước Anh sắp kết thúc "giai đoạn đầu của cuộc chiến" và "bắt đầu xoay chuyển tình thế" trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, ông cảnh báo đây là thời điểm "nguy cơ tối đa" và kêu gọi người dân không mất kiên nhẫn với lệnh phong tỏa.

Đức báo cáo thêm 977 ca nhiễm và 154 ca tử vong do bệnh Covid-19, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 159.735 và 6.280. Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

Nga ghi nhận thêm 6.411 ca nhiễm và 73 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên lần lượt 93.558 và 867, trở thành vùng dịch lớn thứ 8 thế giới.

Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức cấp cao chính phủ và lãnh đạo các vùng, được phát sóng truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/4 đã tuyên bố kéo dài giai đoạn nghỉ việc tới ngày 11/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Các lệnh hạn chế tại Nga theo dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 4, song Tổng thống Putin cảnh báo Nga vẫn chưa chạm đỉnh dịch.

Ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ đưa ra các biện pháp mới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và người dân cũng như chuẩn bị những khuyến cáo về việc dần nới lỏng phong tỏa trước ngày 5/5./.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gan-217000-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-tren-toan-cau-my-chiem-gan-13-tong-so-ca-nhiem-382764.html