Gần 26.000 hộ dân tộc thiểu số Đắk Nông được vay vốn ưu đãi

Đắk Nông có gần 26.000 hộ dân tộc thiểu số đang được vay vốn ưu đãi. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã, đang vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Tiếp cận vốn kịp thời

Gia đình anh Y Bin, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có 1ha cà phê. Đợt hạn hán vừa qua, cả vườn cà phê của gia đình anh rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng, đứng trước nguy cơ chết khô, mất mùa.

Vườn cà phê của gia đình anh Y Bin, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được cung cấp nước tưới kịp thời nên dần phát triển ổn định

Vườn cà phê của gia đình anh Y Bin, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được cung cấp nước tưới kịp thời nên dần phát triển ổn định

Trước tình cảnh đó, gia đình anh được địa phương bình xét để Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho vay hơn 80 triệu đồng.

Có nguồn vốn, anh Y Bin mua thêm ống tưới, máy móc phục vụ nhu cầu về nguồn nước cho cây trồng. “Nguồn vốn đến đúng thời điểm như phao cứu sinh của gia đình tôi”, anh Y Bin khẳng định.

Theo anh Y Bin, vườn cây là cả gia tài của gia đình. Nguồn vốn ngân hàng giải ngân kịp thời, vườn cây thoát khỏi nguy cơ mất trắng. Giờ đây, cây trồng đang dần được hồi sinh, gia đình anh mừng như mở cờ trong bụng.

Năm 2021, ông K’Nhơn, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Được tiếp cận vốn, ông mua máy móc, thiết bị, phân bón, chăm sóc hơn 2ha cà phê. Được đầu tư khoa học hơn nên năng suất vườn cây dần cải thiện.

NHCSXH tỉnh kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay của người dân buôn Buôr, xã Tâm thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông)

NHCSXH tỉnh kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay của người dân buôn Buôr, xã Tâm thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông)

“Nhiều năm trước, vườn cà phê chỉ cho gần 4 tấn nhân/vụ. Nhờ đầu tư vốn vay NHCSXH, năng suất vườn cây tăng lên. Vụ mùa vừa qua, với 2ha cà phê cho gia đình đạt hơn 6 tấn nhân. Năng suất tăng, giá cà phê cao, gia đình có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống”, ông K’Nhơn chia sẻ.

Hiện nay, huyện Đắk Glong là địa bàn có số hộ đồng bào DTTS vay vốn chính sách cao nhất tại Đắk Nông. Đến hết tháng 6/2024, toàn huyện có trên 5.300 hộ vay vốn NHCSXH, với dư nợ gần 300 tỷ đồng.

Theo UBND huyện Đắk Glong, công tác giảm nghèo luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, địa phương phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện cho người nghèo được vay vốn.

NHCSXH huyện Đắk Mil thăm mô hình vay vốn của người dân bon Sa Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)

NHCSXH huyện Đắk Mil thăm mô hình vay vốn của người dân bon Sa Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)

Đối với những phương án sử dụng vốn vay được phê duyệt, huyện chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho các hộ.

Hầu hết, hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất. Đời sống của người dân vì thế từng bước ổn định hơn.

Ưu tiên vùng dân tộc

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 25.600 hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi, chiếm 35% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.

Dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS đạt trên 1.500 tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng dư nợ toàn Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông.

NHCSXH huyện Đắk Mil (Đắk Nông) giao dịch với người dân

NHCSXH huyện Đắk Mil (Đắk Nông) giao dịch với người dân

Hàng năm, NHCSXH phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát nhu cầu vốn vay của người dân. Sau khi rà soát, dựa trên nguồn vốn phân bổ, chi nhánh sẽ giao về cho các đơn vị trực thuộc để giải ngân.

Quá trình giải ngân sẽ ưu tiên những hộ có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn, hộ ở vùng sâu, vùng xa. Tất cả hồ sơ người vay được thực hiện tại cơ sở.

"Thông qua hệ thống các tổ tiết kiệm và vay vốn dưới thôn, bon, tổ dân phố, thủ tục cho vay được thực hiện tại nhà. Sau khi đủ điều kiện, chúng tôi giải ngân tại xã trong thời gian nhanh nhất", Phó Giám đốc NHCSXH Đắk Nông Vũ Anh Đức cho biết.

Người dân buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế

Người dân buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế

Sau khi giải ngân, các phòng giao dịch NHCSXH trực thuộc bám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Các tổ chức chính trị, xã hội ủy thác tại cơ sở hướng dẫn hộ vay sử dụng đúng mục đích.

Trường hợp nào sử dụng vốn vay để mua sắm trang, thiết bị sinh hoạt, dẫn đến không có nguồn trả lãi, nợ cho ngân hàng sẽ được kiểm soát ngay.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/gan-26-000-ho-dan-toc-thieu-so-dak-nong-duoc-vay-von-uu-dai-227090.html