Gần 26 tấn vàng dự trữ của Syria sẽ về đâu khi chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ?
Ngay cả sau khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, hầm chứa của Ngân hàng Trung ương Syria vẫn còn gần 26 tấn vàng, nhưng chỉ có một lượng nhỏ dự trữ ngoại tệ là tiền mặt.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Syria cho thấy, nguồn dự trữ vàng của Syria ở mức 25,8 tấn vào tháng 6/2011. Theo tính toán của Reuters, số vàng đó trị giá 2,2 tỉ USD theo giá thị trường hiện tại.
Tuy nhiên, một nguồn tin nói với Reuters chia sẻ, số tiền dự trữ ngoại hối tại ngân hàng trung ương của Syria chỉ vào khoảng 200 triệu USD tiền mặt. Nguồn tin khác lại cho biết, dự trữ USD là "hàng trăm triệu".
Dù không phải tất cả dự trữ đều là tiền mặt, nhưng mức giảm này là đáng kể so với trước chiến tranh, Reuters lưu ý. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuối năm 2011, ngân hàng trung ương của Syria báo cáo có 14 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Năm 2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính dự trữ ngoại hối của Syria ở mức 18,5 tỉ USD.
Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Syria nói với Reuters rằng, dự trữ bằng đồng USD gần như cạn kiệt vì chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad dùng tiền để chi cho thực phẩm, nhiên liệu và giao tranh.
Syria đã ngừng chia sẻ thông tin tài chính với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác từ năm 2011 khi nội chiến Syria nổ ra.
Hiện nay, chính phủ mới của Syria, do phe đối lập lãnh đạo, vẫn đang kiểm kê tài sản quốc gia sau khi ông al-Assad sang Nga tị nạn vào ngày 8/12. Những đối tượng hôi của đã xâm nhập một phần Ngân hàng Trung ương và lấy đi đồng bảng Syria, nhưng không thể đột nhập vào hầm chứa chính. Một số tài sản bị đánh cắp sau đó đã được chính quyền mới của Syria thu hồi.
Hầm chứa này có khả năng chống bom và cần ba chìa khóa, mỗi chìa do một người nắm giữ. Hầm chứa đã được các thành viên chính quyền mới kiểm tra vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi phe đối lập giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus.
Dưới sự lãnh đạo của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), chính quyền mới đã nhanh chóng thành lập chính phủ và củng cố quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Syria chính thức mở cửa trở lại vào ngày 15/12, ngày đầu tuần làm việc tại Syria. Khi đó, có rất nhiều nhân viên cùng những người tìm cách tiếp cận đồng USD, trong khi một số khác mang theo bao tải chứa đầy đồng bảng Syria. Ngoài lượng dự trữ USD ít ỏi, Ngân hàng Trung ương Syria hiện có thể dựa vào số đồng bảng Syria trị giá vài trăm triệu USD.
Dòng tiền ngoại tệ mới đã suy giảm mạnh do Syria mất nguồn thu ngoại tệ chính là dầu thô, khi các tay súng người Kurd và các nhóm vũ trang khác chiếm đóng mỏ dầu ở phía Đông trong chiến tranh. Syria cũng trở thành mục tiêu bị trừng phạt nghiêm ngặt từ phương Tây, trong đó Mỹ đã trừng phạt Ngân hàng Trung ương Syria và đưa một số thống đốc của ngân hàng này vào danh sách đen.
Thế nhưng, vàng chưa bao giờ được thanh lý nhằm giữ đủ tài sản thế chấp cho lượng đồng bảng Syria lưu hành trên thị trường. Đồng nội tệ Syria đã mất giá từ khoảng 50 bảng đổi 1 USD trước chiến tranh xuống khoảng 12.500 bảng đổi 1 USD vào ngày 16/12.
Chính quyền mới của Syria đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để khôi phục nền kinh tế, tái thiết đất nước sau nhiều năm chiến tranh và khuyến khích hàng triệu người tị nạn Syria trở về. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ sẽ phải chờ xem chính quyền mới theo đường lối Hồi giáo sẽ thiết lập thể chế như thế nào.