Gần 300 doanh nghiệp quốc tế hội tụ tại Đà Nẵng, bàn về phát triển logistics
Từ ngày 13 – 15/7 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), Hội nghị giữa năm của AFFA và Hội nghị Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hiệp quốc.
VLA cho biết, đây là chuỗi hội nghị quốc tế quan trọng dành cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics với sự tham gia của Chủ tịch FIATA, các lãnh đạo liên đoàn, lãnh đạo vùng và lãnh đạo các ủy ban, nhóm công tác... cùng gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế đến từ 50 nước châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực đầy tiềm năng này.
Trong khuôn khổ chuỗi hội nghị, lãnh đạo FIATA và các doanh nghiệp tham gia sẽ thảo luận các nội dung quan trọng như phát triển nhà giao nhận vận tải số; phát triển Việt Nam thành trung tâm vận tải và logistics mới của châu Á; phát triển vận tải xuyên biên giới và Hành lang kinh tế Đông Tây; chương trình đào tạo hàng hóa hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Theo VLA, chuỗi sự kiện là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác và học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics của thế giới. Qua đó, mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực, công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics sẽ được các chuyên gia trên thế giới và khu vực chia sẻ tại hội nghị. Từ đó, giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng thực tiễn vào hoạt động kinh doanh.
Bên lề các chương trình nghị sự quan trọng còn có nhiều hoạt động được tổ chức nhằm kết nối giao lưu doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong và sau hội nghị sẽ có nhiều triển vọng ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội logistics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới (LPI), Việt Nam được xếp hạng 43 và đứng đầu trong những thị trường mới nổi. Trong Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, Việt Nam hiện đứng đầu các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỉ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.
Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021), đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4 - 5%.