Gần 330 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 lên đến 329.500 tỷ đồng, cao hơn gần 22% so với năm nay. Việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ vẫn rất khó khăn vì thiếu vắng bên mua.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 10/2023 có 23 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 26.326 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 214.890 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian thay vì mua lại trái phiếu đến hạn. Theo VBMA, trong tháng 10, các doanh nghiệp mua lại 13.645 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 195.701 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 91% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 47,8% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 93.490 tỷ đồng).
Còn theo thống kê của VNDirect về hoạt động thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu ghi nhận hơn 60 tổ chức phát hành thực hiện thành công và đã báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn tính đến ngày 27/10 là khoảng 107.000 tỷ đồng.
VMBA cho biết, trong giai đoạn hai tháng cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 39.309 tỷ đồng. 40% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản. Tương tự, gần một nửa trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 cũng thuộc về nhóm ngành bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp rất lớn. Theo HoREA, quý IV/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn), gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Riêng trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên đến 329.500 tỷ đồng, cao hơn gần 22% so với năm nay là 271.400 tỷ đồng. Con số này ở năm ngoái là 144.500 tỷ đồng.
HoREA khẳng định áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn năm 2024 của doanh nghiệp bất động sản là rất lớn, là năm có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao nhất.
Với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng như hiện nay, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng không cầm các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ. Theo quy định hiện hành của Thông tư 16, các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
HoREA cho rằng quy định như vậy của Thông tư 16 thiếu sự thống nhất với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đặc biệt, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước 1 năm so với Nghị định 65, mà Nghị định số 65 đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích đảo nợ, nên rất cần bỏ điều khoản trên do đã “vênh” và không còn phù hợp với quy định của Nghị định 65.