Gần 37.000 căn nhà ở xã hội trên cả nước được hoàn thành trong 7 tháng đầu năm
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo đánh giá tình hình phát triển nhà ở xã hội trong 7 tháng đầu năm 2025 và kế hoạch triển khai 5 tháng cuối năm. Theo đó, công tác phát triển nhà ở xã hội trên cả nước ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, với hàng loạt dự án được hoàn thành, khởi công và chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ảnh minh họa.
Tính đến ngày 15/7, cả nước đang triển khai 692 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô hơn 633.500 căn. Trong số này, đã có 146 dự án với hơn 103.700 căn được hoàn thành; 124 dự án (tương ứng hơn 111.600 căn) đã được khởi công xây dựng; 422 dự án (hơn 418.000 căn) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Số lượng dự án đã hoàn thành, khởi công hoặc được chấp thuận chủ trương đầu tư hiện đạt 59,6% so với mục tiêu đề ra trong Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Cũng theo báo cáo, đến giữa tháng 7, cả nước đã hoàn thành 36.962 căn nhà ở xã hội, tương đương 37% kế hoạch năm 2025. Hiện có 111.622 căn đang được đầu tư xây dựng, trong đó dự kiến sẽ có 74.021 căn được hoàn thành trong năm nay, đạt khoảng 74% mục tiêu cả năm.
Một số địa phương ghi nhận kết quả nổi bật trong triển khai chương trình nhà ở xã hội, với tỷ lệ hoàn thành và dự kiến hoàn thành vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, TP Hải Phòng đạt 101% chỉ tiêu; TP Huế đạt 120%; Tuyên Quang đạt 100%; Quảng Ninh 104% và Nghệ An ấn tượng với mức hoàn thành 173%.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác cũng được đánh giá có khả năng hoàn thành trên 50% chỉ tiêu trong năm nay, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau...
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công hoặc đầu tư xây dựng, gồm: Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hà Tĩnh.
Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong 5 tháng cuối năm.
Bộ đề nghị các địa phương cần tập trung cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo thẩm quyền, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án.
Đồng thời, Bộ cũng nhấn mạnh vai trò của việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án - từ việc lựa chọn vị trí đất đai phù hợp đến việc hoàn tất các thủ tục pháp lý, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Với những tín hiệu khả quan trong nửa đầu năm và sự chỉ đạo sát sao trong thời gian tới, chương trình phát triển nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, góp phần giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân và người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp trên cả nước.