Gần 450 đại biểu tham dự hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 15
Hội nghị Khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 diễn ra trong 3 ngày (9-11/8) tại Tp.Nha Trang với nhiều nội dung quan trọng.
Sáng 9/8, tại Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đã khai mạc Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15. Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần.
Tham dự hội nghị lần thứ 15 có khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước với gần 450 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá hội nghị lần này đã có sự lớn mạnh về quy mô tổ chức, số lượng đại biểu, đặc biệt là nội dung và chất lượng các báo cáo khoa học. Vì vậy, ông tin tưởng rằng kết quả của hội nghị sẽ góp phần định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Trong đó, ứng dụng năng lượng nguyên tử và công nghệ hạt nhân mang lại những giá trị trực tiếp và hết sức thiết thực.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 24 thiết bị chứa nguồn phóng xạ (kín) được ứng dụng trong kiểm soát dây chuyền sản xuất, trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, trong kiểm tra an ninh sân bay… Có 38 thiết bị phát tia X ứng dụng trong soi chiếu hành lý tại cảng Hàng không Cam Ranh và có khoảng 160 thiết bị X quang chẩn đoán trong y tế được sử dụng tại các bệnh viện, trung tâm y tế và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác…
“Trong thời gian tới, Khánh Hòa cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở ứng dụng năng lượng nguyên tử thực hiện tốt công tác quản lý đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, an toàn bức xạ đúng theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục duy trì công tác truyền thông; liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ hạt nhân và tìm kiếm cơ hội ứng dụng trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng cho biết.
Hội nghị đã tuyển chọn 195 báo cáo, trong đó có 127 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban chuyên môn và 68 báo cáo dán bảng.
Sau khai mạc, hội nghị tiến hành phiên toàn thể với 20 bài tham luận được trình bày từ các diễn giả là khách mời, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện và các tổ chức uy tín trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và quốc tế.
Trong đó, trao đổi về lịch sử hoạt động, các kết quả nghiên cứu hiện tại và định hướng phát triển của ngành năng lượng và công nghệ hạt nhân của các nước Hàn Quốc, Việt Nam và Cộng hòa Séc; những tiến bộ công nghệ và các cơ sở hạ tầng trên thế giới đang và sẽ phát triển…
Cũng trong phiên toàn thể, các bài nghiên cứu chuyên sâu cũng được trình bày với nhiều nội dung. Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia tọa đàm bàn tròn giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna về kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác giữa 2 bên.
Theo dự kiến, sau phiên toàn thể, 7 tiểu ban chuyên môn của hội nghị sẽ tham gia báo cáo, thảo luận về các nội dung như công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn; vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan; vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia.
Bên cạnh đó là các nội dung về các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội; ứng dụng bức xạ trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và môi trường; hóa phóng xạ và ứng dụng của hóa phóng xạ trong đời sống, công nghệ xử lý quặng và quản lý chất thải phóng xạ.
Trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ diễn ra Hội thảo IAEA với chủ đề: Tác động kinh tế, xã hội của chương trình hợp tác vùng và những ý tưởng đổi mới ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 9-11/8 tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.