Gần 64.000 đại biểu dự hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 5-2024
Sáng 16-5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 5-2024. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến 1.737 điểm cầu trong cả nước với gần 64.000 đại biểu tham dự.
Đồng chí Đỗ Tiến Đông-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Cùng dự hội nghị có các đồng chí báo cáo viên Trung ương đang công tác tại tỉnh; các báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban Tuyên giáo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Trưởng hoặc phó Công an các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu được Thiếu tướng Phạm Công Nguyên-Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thông tin chuyên đề “Những nội dung quan trọng của Luật Căn cước; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”.
Theo đó, Luật Căn cước năm 2023 có 7 chương, 46 điều và có 13 nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Các nội dung mới, sửa đổi, bổ sung gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc tích hợp thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước. Việc sửa đổi, bổ sung thông tin trên thẻ căn cước. Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước…
Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 7 nội dung cơ bản, gồm: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tuyển chọn; sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng…
5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, gồm: Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Dự án Luật phòng-chống mua bán người (sửa đổi). Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin đến các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW ngày 23-2-2024 của Bộ Chính trị”.
Cụ thể, theo các quy hoạch đã được phê duyệt, định hướng chung về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, về đường bộ cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I.
Về đường thủy nội địa, cải tạo nâng cấp kỹ thuật đồng bộ các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch đạt khoảng 5.000km.
Về hàng không, ưu tiên tập trung đầu tư hình thành một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh; khai thác có hiệu quả và từng bước nâng cấp đảm bảo nhu cầu 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 8 cảng hàng không mới.
Về đường sắt, nâng cấp, cải tạo đảm bảo an toàn 7 tuyến đường sắt hiện hữu; triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế…
Trên cơ sở nội dung 2 chuyên đề, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ báo cáo viên tập trung tuyên truyền, tổ chức hội nghị để thông tin chuyên đề đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: Nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo không khí phấn khởi, cổ vũ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy tham mưu cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; coi trọng tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn. Tuyên truyền nội dung hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên bám sát định hướng tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan liên quan nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng, góp phần phản bác lại các luận điệu xuyên tạc gây mất niềm tin trong Nhân dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy cần làm tốt công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tham mưu tốt cho cấp ủy các vấn đề phát sinh tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21-7); kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5); kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5).