Gần 7000 trẻ em tử vong mỗi ngày vì đói

Toàn thế giới hiện đang có gần một tỉ người rơi vào tình trạng đói khát và khoảng 7.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. Tuy nhiên, có một thực tế, trong lúc khoảng một tỉ người trên thế giới đang bị đói, một tỉ người khác có nguy cơ bị đói, thì vẫn có khoảng một tỉ người đang lãng phí lương thực.

 Theo FAO, hiện châu Phi có 239 triệu người thiếu lương thực- Ảnh: theweek.co.uk

Theo FAO, hiện châu Phi có 239 triệu người thiếu lương thực- Ảnh: theweek.co.uk

Trước thềm hội nghị quốc tế về nạn đói sẽ được tổ chức tại London, Anh (ngày 12/8), Tổ chức Oxfarm (liên minh quốc tế của 15 tổ chức làm việc tại 98 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) đã đưa ra cảnh báo rằng, hiện trên thế giới có gần 1 tỷ người bị đói và lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, số trẻ em suy dinh dưỡng tăng ở mức báo động.

Gần 1 tỷ người bị đói

Tháng 6/2012, theo kết quả thống kê của Tổ chức từ thiện Caritas công bố tại hội nghị quốc tế về nạn đói được tổ chức tại Viên (Áo) cho biết, toàn thế giới hiện đang có gần một tỉ người rơi vào tình trạng đói khát và khoảng 7.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn.

Theo Caritas, châu Phi vẫn nằm trong những khu vực bị nạn đói hoành hành nhiều nhất, với 18 triệu người luôn sống trong sự đe dọa của hạn hán, mất mùa và nạn suy dinh dưỡng trầm trọng.

Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), hiện châu Á có 578 triệu người thiếu lương thực, kế đến là châu Phi với 239 triệu người, châu Mỹ Latinh với 53 triệu người...

Trong khi đó, Oxfarm cảnh báo rằng, năm 2012 sẽ có thêm 43 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn do tình trạng khan hiếm lương thực như hiện nay. Đặc biệt là tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng tại Tây Phi, Yemen và Đông Phi. Khu vực Sahel thuộc Tây và Trung Phi cũng đang đặt trong tình trạng báo động về khủng hoảng lương thực.

Các nguyên nhân

Khủng hoảng lương thực xuất phát từ nhiều căn nguyên cơ bản và lâu dài, trong đó mất cân bằng cung - cầu là nguyên nhân hàng đầu. Trong khi mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm tăng theo gánh nặng dân số thì đất canh tác nông nghiệp - yếu tố cơ bản để sản xuất lương thực, lại bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng tốc. Cùng với khan hiếm nguồn cung, nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực vẫn luôn luôn tiềm ẩn bởi những thủ phạm khác.

Thứ nhất, sự biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết thay đổi thất thường. Trái đất ngày càng nóng lên, thiên tai xảy ra dồn dập, dẫn tới mất mùa, đói kém. Tại Đông Nam Á, khoảng 1,5 triệu hécta trồng lúa ở Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào đã bị mất trắng hoặc gần mất trắng trong đợt lụt lội năm 2011.

Trung Quốc đã phải gánh chịu nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, đe dọa nước này phải nhập khẩu thêm ngũ cốc do sản lượng lúa mì suy giảm. Tại Ấn Ðộ, tình hình cũng không khá hơn do hạn hán. Trong khi đó, Australia, nước xuất khẩu lương thực lớn thứ tư thế giới, lại bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Tình hình thiếu lương thực ở một số nước châu Phi, như Ethiopia, Somalia,DZibuti, Kenya, Nigeria cũng là điển hình của tác động từ sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều vùng đất trên các châu lục được cảnh báo sẽ bị chìm ngập dưới 2 mét nước biển giống trường hợp khu vực châu thổ sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị bao phủ bởi hơn 1 mét nước mặn khiến sản lượng gạo có nguy cơ bị sụt giảm.

Thứ hai, việc sản xuất năng lượng sinh học (biofuel) cần một khối lượng lớn lương thực. Thực tế cho thấy, việc mất mùa do thiên tai mang tính nhất thời và nếu chỉ có vậy, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ không thiếu hụt sâu.

Tình trạng thiếu lương thực kéo dài hiện nay còn do nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cùng với sự cạn kiệt dần năng lượng hóa thạch, lượng ngũ cốc dùng cho việc chế tạo nhiên liệu sinh học cũng tăng mạnh. Một số quốc gia tiên tiến, điển hình là Mỹ, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, hiện dành 30% sản lượng ngô sản xuất đại trà để chế biến ethanol.

Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil là quốc gia sử dụng 50% sản lượng mía đường cho sản xuất cồn nhiên liệu. Liên minh châu Âu cũng không nằm ngoài chiến lược dùng nhiên liệu sinh học cho sản xuất dầu diesel sinh học. Tất cả những điều trên dẫn đến sự bấp bênh của thị trường đường kính và dầu thực vật trên toàn cầu. Nhận định chung của giới khoa học cho rằng, nếu không cẩn trọng, sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ gây ra sự thiếu hụt lương thực toàn cầu và giá lương thực tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Thứ ba, tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực. Có một thực tế là, trong lúc khoảng một tỉ người trên thế giới đang bị đói, một tỉ người khác có nguy cơ bị đói, thì vẫn có khoảng một tỉ người đang lãng phí lương thực.

Báo cáo “Thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu” của FAO đưa ra các con số đáng quan tâm: Lượng lương thực thất thoát và lãng phí hằng năm của các nước công nghiệp và các nước đang phát triển là tương đương nhau: 670 triệu và 630 triệu tấn. Mỗi năm, người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi (230 triệu tấn). Rau, củ, quả là loại lương thực bị lãng phí nhiều nhất.

Theo FAO, tình trạng thất thoát lương thực xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Ở các nước đang phát triển, kết cấu hạ tầng yếu kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực chưa thỏa đáng là nguyên nhân chính của tình trạng này. Còn lãng phí lương thực ở các nước công nghiệp là ở chỗ, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đã vứt bỏ các loại lương thực còn tốt vào thùng rác. Bình quân mỗi năm, một người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt bỏ 95 kg - 115 kg lương thực, còn ở khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á là khoảng 6 kg - 11 kg.

Thứ tư, là giá lương thực trên đà tăng. Nạn hạn hán trầm trọng tại Mỹ, nước sản xuất ngô và đậu tương lớn nhất thế giới (312 triệu tấn ngô và 77 triệu tấn đậu tương trong năm 2011), đe dọa gây biến động tăng giá lương thực. Hiện 78% diện tích ngô và 11% diện tích đậu tương của Mỹ đang bị hạn hán. Trong số các khu vực chịu hạn hán nghiêm trọng có gần 1/3 diện tích 9 của bang miền trung - khu vực chiếm tới 3/4 sản lượng ngô và đậu tương của cả nước Mỹ.

Giá các loại nông sản ở Ấn Độ cũng đang tăng vọt, do lượng mưa năm 2012 giảm 23% so với mức trung bình hai năm qua khiến sản lượng nhiều loại nông sản được dự báo giảm so với hai năm trước. Hiện ở hầu hết các khu vực trồng các loại hạt lấy dầu ở Ấn Độ đều không có mưa. Nếu vẫn không có mưa trong thời gian tới, vụ gieo trồng đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng và vụ tiếp theo cũng sẽ bị hoãn lại, từ đó sẽ đẩy giá của tất cả các loại dầu thực vật tăng mạnh trong tương lai.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuy các dự báo hiện nay không cho thấy sự thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, nhưng nguồn lương thực dự trữ xuống thấp và nông nghiệp thế giới vẫn phụ thuộc nặng nề vào thời tiết toàn cầu khiến giá lương thực biến động lớn. Giá lúa mì đã tăng 50%, giá ngô tăng 45% kể từ giữa tháng 6-2012, giá đậu tương tăng 30% kể từ đầu tháng 6 và 60% kể từ cuối năm 2011. WB dự báo biến động giá lương thực cao hiện nay có thể kéo dài ít nhất đến năm 2015.

Cùng tìm lối thoát

Trước tình hình trên, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đã và đang rất nỗ lực để tìm ra các cách thức phù hợp để giải quyết tình trạng này.

LHQ kêu gọi các chính phủ, các nhà khoa học cần tiếp tục có những nghiên cứu nhằm đạt được thay đổi hữu hiệu trong chương trình sản xuất lương thực, thực hiện những biện pháp khẩn cấp để kiềm chế sự tăng giá các nông sản thiết yếu nhằm giảm tác động đến những người nghèo nhất thế giới.

Các nước có nền nông nghiệp phát triển cần hướng đến sự hợp tác toàn cầu để phát triển các kỹ thuật nông nghiệp bền vững.

Cộng đồng quốc tế cần gia tăng đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp và dành những ưu đãi đặc biệt trong buôn bán đối với hàng nông sản của các nước đang phát triển cũng như mở rộng quyền tiếp cận của những hàng nông sản này đối với thị trường thế giới. Nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp rất lớn và các nước giàu cần giảm bớt các trợ cấp mà nông dân nước họ đang được hưởng để bảo đảm sự công bằng giữa nông dân các nước phát triển và đang phát triển.

Và để giảm đói nghèo, tăng cường an ninh lương thực, cộng đồng nông nghiệp thế giới không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện canh tác sinh thái - một biện pháp giảm thiểu tác nhân gây biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp.

Theo ước tính, sẽ cần khoảng 44 tỉ USD vốn ODA hằng năm để đầu tư cho nông nghiệp ở các nước đang phát triển (hiện tại con số này là 7,9 tỉ USD). Việc huy động thêm vốn, bao gồm cả ngân sách quốc gia, vốn nước ngoài và từ khu vực kinh tế tư nhân cần được thực hiện để đầu tư cho các kỹ thuật canh tác hiện đại, nguồn nước tưới tiêu, máy móc nông nghiệp, xây dựng thêm kho bãi, đường sá và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, cũng như đào tạo kiến thức cho nông dân. Có như vậy, thế giới mới hy vọng đủ lương thực cho 9 tỉ người vào năm 2050 và trước mắt là để gần 1 tỷ người không phải chịu cảnh đói khát./.

Phương Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/gan-7000-tre-em-tu-vong-moi-ngay-vi-doi/20128/145699.vgp