Gần 80.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Tại buổi gặp mặt báo giới nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam- 21.6.2024, Lãnh đạo Cục quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, 6 tháng đầu năm đã đưa được 78.024 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong tổng số lao động xuất cảnh 78.024 người có 23.725 là nữ, bao gồm các thị trường: Nhật Bản 40.597 lao động, đạt 62,4% kế hoạch năm.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 27.350 lao động, đạt 57% kế hoạch nămm. Thị trường Hàn Quốc: 5.565 lao động, đạt 65,47%. Thị trường Trung Quốc: 1.081 lao động...
Đặc biệt thị trường Úc đang có nhiều khởi sắc, thời gian tới sẽ có khoảng 1.000 lao động đi theo chương trình Fam. Hiện có 6 doanh nghiệp được lựa chọn để đưa người lao động sang Úc làm việc.
Thị trường Hàn Quốc đang được đẩy mạnh với việc học và thi tiếng Hàn đạt chất lượng cao. 6 tháng đã có 3.034 lao động ngành ngư nghiệp và nông nghiệp dự tuyển đạt yêu cầu 100% chỉ tiêu. Các kỳ thi tiếng Hàn cho lao động ngành sản xuất chế tạo được thực hiện liên tục với chất lượng cao.
Theo Cục QLLĐNN, năm nay có 15.000 chỉ tiêu đi làm việc tại Hàn Quốc, hiện đã có 45.000 người đăng ký thi tiếng Hàn. Qua các kỳ thi có 70% thí sinh đạt trình độ về tiếng, sự công khai, minh bạch ngày càng được quản lý thông qua việc áp dụng nhiều biện pháp mới về công nghệ như đăng ký định danh điện tử, sử dụng thiết bị phần mềm đọc chip trên căn cước công dân, bố trí nhiều thiết bị phá sóng...
Từ nay đến cuối năm, Bộ LĐTB & XH sẽ phối hợp Cục QLLĐNN, các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến việc phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài, đàm phán mở rộng thị trường lao động sang nhiều nước, triển khai các cuộc thi tiếng, thi tay nghề cho lao động ở các tỉnh thành. Đặc biệt, chú trọng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Châu Âu, Ả Rập Xê Út, Canada...
Ông Phạm Đức Hương- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cũng cho biết: Thị trường Trung Đông hiện nhu cầu lao động rất lớn, nhưng mức lương hơi thấp - 300 đến 400 USD. Thị trường Nhật Bản, đồng Yên mất giá cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người lao động.