Gần 800.000 chủ thể nộp thuế bỗng 'bặt vô âm tín': Lỗ hổng lớn trong quản lý Nhà nước
Bàn về các đối tượng được xóa nợ thuế, ĐBQH Ngô Trung Thành cho biết, luật pháp đã quy định rõ khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh, nếu không báo cáo là vi phạm. Nhưng doanh nghiệp làm sai mà cơ quan quản lý không biết, đó là lỗ hổng lớn.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay (1/11), dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhận được rất nhiều ý kiến của các đại biểu.
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số tiền nợ thuế ở nước ta tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7%.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất 7 nhóm đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp… do không có khả năng thu hồi.
Lo ngại việc chính sách ưu đãi, khoanh nợ thuế, xóa tiền, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị lợi dụng, các ĐBQH đề nghị có biện pháp quản lý khi thực hiện.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) tán thành với tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết và khẳng định cần thiết phải làm thủ tục khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để phù hợp với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, vị ĐBQH bày tỏ băn khoăn, về đối tượng hưởng xóa nợ thuế, trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, cần thành lập hội đồng tư vấn và kiểm toán xóa nợ thuế.
Bà Thơ cho rằng, các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản có thể thành lập lại doanh nghiệp với tên khác và do người của họ đứng tên, điều này không dễ phát hiện. Đối tượng này cần xem xét và nghiên cứu cẩn trọng. Bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ (16.357 tỷ đồng).
Cũng theo đại biểu, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng cũng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước vì số tiền xóa nợ là rất lớn.
Ở góc độ khác, ĐBQH Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng lưu ý đến 1 trong 7 đối tượng được hưởng chính sách xóa nợ, khoanh nợ thuế. Đó là nhóm đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết, có tới 771.416 người nộp thuế (cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể) thuộc nhóm này, với tổng số tiền nợ thuế là 24.194 tỷ đồng.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích, trong nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh là điều hết sức bình thường và phổ biến.
Pháp luật pháp đã quy định rõ khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh, nếu không báo cáo là vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là khi doanh nghiệp làm sai như vậy mà cơ quan quản lý Nhà nước không có biện pháp để nắm bắt được thì đó là một lỗ hổng lớn trong quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư.
ĐBQH Ngô Trung Thành nhận định: “Tôi thấy khó có thể lý giải thuyết phục được tại sao gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan Nhà nước không biết được họ đang ở đâu nữa. Việc này không chỉ dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách, mà hệ lụy còn gần 800.000 chủ thể trên hiện đang làm gì, có vi phạm pháp luật hay không liệu có biết được?”.
Hoa Liên - Công Luân