Gần 9 triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế
Đến ngày 17/11, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,22%; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng tăng tăng 5,81%...
Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, sau khi tăng chậm trong quý I/2020, tín dụng đã dần tăng trở lại trong quý II và khởi sắc từ tháng 7.
Tính đến hết tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%, thì đến ngày 17/11, dư nợ tín dụng đã tăng lên 7,26% so với cuối năm 2019, trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%. Mặc dù phục hồi khá trở lại, song so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 10,28%) tín dụng vẫn còn tăng chậm.
Với mức tăng trưởng này, ước tính hơn 96.700 tỷ đồng tín dụng được cung ứng thêm ra nền kinh tế kể từ cuối tháng 9 đến nay, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống đạt 8.790.536 tỷ đồng.
Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế, tính đến cuối tháng 10, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,22% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,81%; dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ ước tăng khoảng 8,2%.
Về tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho các lĩnh nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu ước tăng khoảng 10%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,21%.
Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ước giảm 3,83% so với cuối năm 2019; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước giảm 0,81%.
Ngân hàng Nhà nước ước tính, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 dự kiến có thể đạt 8 - 10%, tương đương có khoảng 150.000 - 320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nhận định mức tăng trưởng trên 9% là khả thi.
Gần đây, một loạt nhà băng đã công bố giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, phù hợp để phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có thêm vốn để tái sản xuất kinh doanh.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng để có thể phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD), sẵn sàng cho vay tái cấp vốn để các TCTD có nguồn vốn giá rẻ cung ứng cho các doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính, tiết giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5%-2%/năm, giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm) để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.