Gần 99% cử tri Bình Thuận đồng ý đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến theo từng địa bàn thôn, khu phố. UBND cấp xã căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương có thể tổ chức họp đại diện hộ gia đình để lấy ý kiến; cử cán bộ thôn, khu phố phát phiếu, thu phiếu trực tiếp tại hộ gia đình.

Ngày 7/5, thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy vừa ký báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh.

Theo đó, kết quả lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên toàn tỉnh có 330.310 cử tri, chiếm tỉ lệ 99,29%. Trong đó, có 327.172 cử tri đồng ý chiếm tỉ lệ 98,34% và cử tri không đồng ý có 3.134 cử tri, chiếm tỉ lệ 0,94%.

Một số cử tri có ý kiến khác như: đề nghị sáp nhập xã Phan Hòa vào thị trấn Phan Rí Cửa; sáp nhập xã Mê Pu và xã Đức Phú; sáp nhập 4 xã là quá lớn, bất tiện đi lại. Giữ nguyên tên gọi xã Hàm Mỹ, đặt trụ sở tại xã Hàm Mỹ; tên gọi xã Nam Thành chưa hợp lý, nên chọn tên của 1 trong 3 xã. Có ý kiến cử tri đề nghị đặt trụ sở xã Nam Thành tại xã Mê Pu hiện nay.

Kết quả biểu quyết của HĐND cấp tỉnh, có 38/38/46 đại biểu tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã, đạt tỉ lệ 82,61% so với tổng số đại biểu. Trong đó 38/38 đại biểu tán thành đạt tỉ lệ 100% so với tổng số đại biểu dự họp.

Toàn cảnh Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: N.Lân).

Toàn cảnh Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: N.Lân).

Đối với kết quả lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trên toàn tỉnh có 330.310 cử tri, chiếm tỉ lệ 99,29%. Trong đó, có 327.448 cử tri đồng ý chiếm tỉ lệ 98,43% và cử tri không đồng ý có 2.858 cử tri, chiếm tỉ lệ 0,86%.

Kết quả biểu quyết của HĐND cấp huyện, có 10/10 HĐND cấp huyện tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Trong đó, 10/10 HĐND cấp huyện có tỉ lệ biểu quyết tán thành 100% tínhtrên tổng số đại biểu dự họp.

Theo báo cáo, việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến theo từng địa bàn thôn, khu phố.

UBND cấp xã căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương có thể tổ chức họp đại diện hộ gia đình để lấy ý kiến; cử cán bộ thôn, khu phố phát phiếu, thu phiếu trực tiếp tại hộ gia đình; ...

Các địa phương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng hình thức thích hợp, đa dạng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho cử tri, để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến.

Hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng để cử tri có thể tiếp cận như: Niêm yết thông tin, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở ở địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử, phát trên hệ thống truyền thanh của cấp xã, thông qua trưởng thôn, trưởng khu phố để thông báo đến công dân, phổ biến tại hội nghị cử tri do UBND xã, phường tổ chức, tại các cuộc họp thôn,...

Tỉnh Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.942,60 km2, dân số hơn 1.5 triệu người. Có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố), 121 đơn vị hành chính cấp xã , trong đó có 93 xã, 16 phường, 12 thị trấn.

Trên cơ sở phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng phương án sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn còn 45 đơn vị hành chính cấp xã (36 xã và 8 phường, 1 đặc khu), giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, sáp nhập phường Mũi Né, xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến thành phường Mũi Né; Phường Thanh Hải, phường Phú Thủy và phường Phú Hài thành phường Phú Thủy; Phường Phú Trinh, phường Lạc Đạo và phường Bình Hưng thành phường Phan Thiết; Phường Đức Long và xã Tiến Thành thành phường Tiến Thành; Xã Tiến Lợi và xã Hàm Mỹ thành xã Tuyên Quang (tên tỉnh kết nghĩa với Bình Thuận).

Tiếp đó là Thị trấn Phú Long, xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc) và phường Xuân An (Phan Thiết) thành phường Hàm Thắng; Xã Hàm Hiệp, xã Phong Nẫm và phường Phú Tài thành phường Bình Thuận. Thành lập đặc khu Phú Quý trên cơ sở sáp nhập xã Long Hải, xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh tại huyện đảo Phú Quý.

Đối với các tên huyện hiện nay của tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục lưu giữ thành đơn vị hành chính cấp xã, phường mới như phường La Gi, xã Hàm Tân, xã Hàm Thuận Nam, xã Hàm Thuận Bắc, xã Hàm Thuận, xã Bắc Bình, xã Tuy Phong, xã Đức Linh, xã Tánh Linh…

Với dự kiến sáp nhập như trên, tỉnh Bình Thuận đã giảm khoảng 62% đơn vị hành chính cấp xã.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gan-99-cu-tri-binh-thuan-dong-y-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-204250507154533622.htm